Vnluxury

Những công trình kiến trúc nổi bật tại Thượng Hải

Cùng với sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đô thị Thượng Hải nổi bật với vẻ đẹp tương phản giữa các công trình kiến trúc hiện đại lẫn cổ kính.

Thượng Hải được mệnh danh là cửa ngõ của Trung Quốc với thế giới, và là một trong những siêu đô thị có mức sống đắt đỏ nhất toàn cầu trong những năm gần đây. Vị thế và sức ảnh hưởng của thành phố phần nào được thể hiện qua sự đa dạng của phong cách kiến trúc. Bất chấp sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và việc xây dựng liên tục tại đây, sự tương phản giữa các công trình cổ xưa và những tòa nhà chọc trời đã viết lên nhiều câu chuyện về sự thăng trầm biến động của Thượng Hải qua từng giai đoạn.

Men theo con sông Hoàng Phố, bên cạnh những công trình mang tính lịch sử như bến Thượng Hải, một địa danh đại diện cho thời kỳ phồn vinh của Thượng Hải từ những năm 1800 đến những năm 1930, còn có tổng cộng 52 tòa nhà theo lối kiến trúc chiết trung hiện đại như: Tòa nhà HSBC, Custom House, khách sạn Swatch Art Peace, Khách sạn Fairmont Peace,…

Trong bài viết này, chúng ta cùng điểm qua những công trình kiến trúc nổi bật và mang tính biểu tượng nhất của Thượng Hải.

Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông

Được hoàn thành xây dựng vào năm 1994 và nằm trong quận mới Phố Đông, tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông là biểu tượng đặc biệt và nổi tiếng nhất Thượng Hải. Hình dạng kiến trúc độc đáo đã khiến công trình này trở nên khác biệt hơn so với các tòa nhà cao tầng khác của thành phố.

Kiến trúc Thượng Hải

Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông. Ảnh: Tư liệu

Với chiều cao 468 mét và được xây dựng với 11 quả cầu lớn nhỏ khác nhau, ngọn tháp này được chống đỡ bởi hệ thống ba cột trụ khổng lồ. Trong đó 2 khối cầu lớn có đường kính 50 mét và dễ thấy nhất nằm dọc theo chiều dài của tháp, khối cầu trên có đường kính 45 mét và khối cầu trên cùng có đường kính 14 mét, cao hơn 350 mét so với mực nước biển. Trên đỉnh tháp được lắp đặt ăng ten để phát sóng các chương trình TV và radio.

Kiến trúc Thượng Hải

Ảnh: Lovely Planet

Kết cấu độc đáo của công trình được truyền cảm hứng bởi phong cách vị lai, kết hợp các hệ tư tưởng mang ý nghĩa lịch sử. Kiến trúc của tòa tháp truyền hình được lấy cảm hứng từ một câu trong bài thơ Đường cổ, đó là bài “Tiếng hát cóc tổ ong” của Bạch Cư Dị. Câu thơ miêu tả về âm thanh tuyệt vời của nhạc cụ pipa, tựa như tiếng thanh thúy của những viên minh châu rơi trên nền ngọc bích.

Tháp Kim Mậu

Là một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên ở Châu Á với chiều cao 420 mét, tòa tháp Kim Mậu đại diện cho chủ nghĩa tân vị lai cũng như phong cách kiến trúc và tín ngưỡng của Trung Quốc. Nguồn cảm hứng chính của công trình là những ngôi chùa cổ tại Trung Quốc, được đặc trưng bởi hình dáng giật cấp độc đáo.

Kiến trúc Thượng Hải

Tháp Kim Mậu gồm 88 tầng sở hữu view nhìn bao trọn thành phố Thượng Hải. Ảnh: Flickr | Joan Campderrós-i-Canas

Gắn liền với con số “8” – đại diện cho sự thịnh vượng và may mắn trong văn hóa Trung Hoa, tháp Kim Mậu khai trương vào ngày 28 tháng 8 năm 1998 và được xây dựng trên Đại lộ Thế kỷ 88. Toàn bộ cấu trúc được xây dựng xung quanh một khung bê tông hình bát giác ở trung tâm, tòa tháp cao tới 88 tầng được chia thành 16 đoạn (8×2), mỗi đoạn ngắn hơn ⅛ đoạn bên dưới để tái hiện lại hình dáng ngôi chùa cổ.

Kiến trúc Thượng Hải

Khách sạn Grand Hyatt nằm trên 38 tầng cao nhất của tòa tháp, đây là khách sạn cao thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Burj Al Arab của Dubai. Ảnh: Tristan Lavender Photography

Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải

Là một trong những tòa nhà chọc trời cao nhất ở Thượng Hải, trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải nằm trong khu vực tài chính và thương mại Lục Gia Chủy. Dẫn đầu khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Thượng Hải, công trình mang lối kiến trúc vị lai hiện đại này là nơi tập trung của nhiều tổ chức tài chính – kinh tế, công ty luật và công ty tư vấn hàng đầu.

Kiến trúc Thượng Hải

Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải với phần mặt tiền bằng kính phản chiếu cả thành phố. Ảnh: Trip.com

Hoàn thành vào năm 2008, tòa nhà với chiều cao 492 mét gồm 101 tầng đã vượt qua tháp Kim Mậu và trở thành công trình cao nhất Trung Quốc. Hình thức khối bắt nguồn từ lăng kính vuông – biểu tượng cho trái đất theo tín ngưỡng Trung Hoa cổ đại. Thiết kế kiến trúc đặc trưng của phần đỉnh đã được lược bỏ nhằm giảm thiểu tác động gió lên tòa nhà. Với thiết kế độc đáo này, khu vực SWFC Sky Arena và đường đi bộ Skywalk đã ra đời nhằm mang đến cho du khách một view nhìn bao trọn cả thành phố.

Kiến trúc Thượng Hải

Tầng quan sát để ngắm nhìn toàn cảnh thành phố trên nền sàn kính. | Ảnh: Klook

Tháp Thượng Hải

Cùng với trung tâm tài chính thế giới, tháp Kim Mậu và tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông, tháp Thượng Hải với độ cao 632 mét gồm 128 tầng đã tạo thành một tổ hợp gồm 4 công trình thống lĩnh nền trời Thượng Hải.

Quảng cáo

Kiến trúc Thượng Hải

Tổ hợp các kiến trúc cao tầng

Là tòa tháp cao thứ hai trên thế giới, tháp Thượng Hải còn được nhận chứng nhận Bạch kim LEED® từ hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ và được xếp hạng ba sao công trình xanh của Trung Quốc. Đây là biểu tượng của công cuộc phát triển bền vững, kết hợp giữa sự sáng tạo và các công nghệ kỹ thuật tiên tiến.

Kiến trúc Thượng Hải

Ảnh: Unsplash | Mikhail Preobrazhenskiy

Bên cạnh hình dạng xoắn và cong tạo thành góc xoay 120 độ từ chân đế lên đỉnh nhằm mục đích giảm thiểu lực tác dụng của gió lên thân tòa nhà, thiết kế còn lồng ghép các mảng xanh theo chiều dọc công trình, các khu vực sảnh trên cao được phủ xanh cây cối tươi tốt. Toàn bộ mặt tiền được ốp kính hai lớp giúp tạo lớp đệm nhiệt và cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Đóng vai trò như một tấm màn cách nhiệt để tiết kiệm năng lượng, hai lớp kính giúp kiểm soát luồng không khí mát ở bên ngoài và tản bớt nhiệt lượng.

Dự Viên

Tách biệt với chốn đô thị phồn hoa và náo nhiệt, vườn Dự Viên (豫园) mang theo cảm giác bình yên và hoài cổ. Được xây dựng cách đây 400 năm, khu vườn rộng 20.000 mét vuông này tiêu biểu cho kiến trúc nhà vườn của cuối thời nhà Minh.

Kiến trúc Thượng Hải

Cận cảnh một ngôi đình viện trong Dự Viên. | Ảnh: Britannica

Dự Viên được xây dựng xuyên suốt 18 năm và được hoàn thiện lẫn trùng tu qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong thời kỳ chiến tranh nha phiến (1842) và chiến tranh Trung – Nhật (1942), khu vườn đã bị tàn phá nặng nề và một số công trình kiến trúc cũng bị hủy hoại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã khôi phục di tích vào năm 1956 và bắt đầu mở cửa khu vực phía Tây cho du khách tham quan vào năm 1961. Khiến du khách lạc lối trong mê cung giữa những hành lang và các cổng vòm được chạm khắc tinh xảo, Dự Viên tựa như chốn tiên cảnh giữa nhân gian qua sự kết hợp tài tình giữa yếu tố cảnh quan và con người.

Kiến trúc Thượng Hải

Những cánh cổng vòm – đặc trưng cho kiến trúc Trung Hoa xưa, nối liền các không gian khác nhau trong Dự Viên. Ảnh: Pinterest | John Glines

Phòng khiêu vũ Paramount

Được hoàn thành vào năm 1933 – trong thời kỳ đỉnh cao của thương mại quốc tế, phòng khiêu vũ Paramount đi đầu trong lĩnh vực giải trí cao cấp hàng đầu Thượng Hải lúc bấy giờ. Được xây dựng theo phong cách kiến trúc Art Deco, tòa nhà được coi là công trình kiến trúc xa hoa và sang trọng nhất từng được xây dựng ở Viễn Đông.

Kiến trúc Thượng Hải

Những ánh đèn từ Paramount thắp sáng cả một dãy phố. Ảnh: Shine.cn

China Press từng có những lời tán dương vô cùng mỹ miều về Paramount: “Hiện đại về mọi mặt, cách phối màu đẹp mắt, dàn nhạc, dịch vụ và giải trí xuất sắc, Paramount xứng đáng là hộp đêm đẹp nhất bên kia Thái Bình Dương.” Nội thất sang trọng phù hợp với tầng lớp thượng lưu quốc tế, hộp đêm còn được bố trí nhiều phòng ăn riêng cao cấp, những sàn nhảy sôi động dưới ánh đèn mờ ảo. Ngoài việc là biểu tượng hướng tới sự hiện đại, Paramount còn là khởi đầu cho những thay đổi kiến trúc ấn tượng khi thành phố được xướng tên với danh xưng “Paris của phương Đông”.

Kiến trúc Thượng Hải

Ảnh: SmartShanghai

Những ngôi nhà Shikumen

Shikumen (Tạm dịch: cổng đá), là một loại kiến trúc địa phương đặc trưng cho thời kỳ phát triển của Thượng Hải. Xuất hiện lần đầu vào những năm 1860, phong cách này là sự giao thoa giữa phương Tây và phương Đông. Vào thời kỳ đỉnh cao, đã có lên tới 9.000 công trình theo phong cách Shikumen được xây dựng tại Thượng Hải, chủ yếu là nhà ở.

Kiến trúc Thượng Hải

Một con ngõ nhỏ trong khu Xintiandi. Ảnh: Ted McGrath

Shikumen là một loại nhà ở longtang (弄堂) hoặc lilong (里弄), có nghĩa là “ngôi nhà trong ngõ”. Kiến trúc bên ngoài gồm hai hoặc ba tầng giống như những ngôi nhà phố ở phương Tây. Tuy nhiên, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trở nên rõ ràng khi tiến vào bên trong, mỗi căn nhà Shikumen đều có sân trong – mang theo đặc trưng từ những ngôi nhà truyền thống và tín ngưỡng phong thủy. Sân trong thúc đẩy lưu thông không khí và thoát nước tốt hơn, nhưng quan trọng nhất, chúng được coi là trung tâm của khí và tài lộc. Khi bước qua những chiếc cổng vòm đá, bạn sẽ được chào đón vào khu vực sân giữa, bao quanh ba mặt bởi các dãy phòng. Nơi đây đóng vai trò như một chốn ẩn náu khỏi sự huyên náo của đường phố, mang lại cảm giác cá nhân và thanh bình.

Kiến trúc Thượng Hải

Ảnh: Wikimedia Commons

Nằm trên những con phố hẹp chỉ đủ cho người đi bộ, sự phát triển Shikumen đạt đỉnh cao vào những năm 1920 đến 30 nhưng đã dừng lại vào những năm 1950. Trong sự phát triển của siêu đô thị hiện đại này, Shikumen đã phải nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng hiện đại. Trong những năm gần đây, chính quyền đang cố gắng bảo tồn những ngôi nhà Shikumen còn sót lại, trong đó phải kể đến các dự án tái phát triển ở Tianzifang và Xintiandi – biến những tòa nhà cũ kỹ thành các điểm du lịch thu hút du khách.

Nguồn https://www.elledecoration.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm