
Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia và doanh nghiệp
Sau hợp nhất, Thái Nguyên bước vào giai đoạn phát triển mới với không gian du lịch mở rộng, nguồn tài nguyên phong phú và nhiều kỳ vọng đổi thay. Tọa đàm tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch chuyên đề được tổ chức không chỉ là dịp nhìn nhận lại tiềm năng, mà còn là bước khởi đầu quan trọng để kiến tạo một chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững và mang bản sắc vùng Việt Bắc.
Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Dương Xuân Hùng nhấn mạnh: Sau quá trình điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, Thái Nguyên có thêm không gian phát triển rộng lớn, với hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú cả về tự nhiên, văn hóa và nhân văn. Tỉnh hiện có hơn 1.000 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, đồng thời sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan hấp dẫn, có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Trong năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 4,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.800 tỷ đồng. Với quy mô này, Thái Nguyên xếp thứ ba trong khu vực về lượng khách và đứng thứ tư về doanh thu từ hoạt động du lịch. Các điểm đến tiêu biểu như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, khu lưu niệm Đại đội Thanh niên xung phong 915, Hồ Núi Cốc, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải… đã và đang khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thái Nguyên vẫn đang đối mặt với những thách thức trong việc khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có. Tiến sĩ Lê Quang Đăng (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) cho rằng: sau hợp nhất, mặc dù có thêm nhiều điều kiện thuận lợi về tài nguyên và không gian phát triển, nhưng ngành du lịch tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được điểm nhấn; nguồn nhân lực phục vụ ngành còn thiếu và yếu; khả năng tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Lê Quang Đăng đề xuất các nhóm giải pháp chiến lược, gồm: tổ chức lại không gian phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ; định hướng lại hệ thống sản phẩm theo từng dòng sản phẩm chủ đạo; xác lập lại thị trường mục tiêu trên cơ sở dữ liệu thực tiễn; và đổi mới tư duy phát triển theo hướng lấy du khách làm trung tâm, nâng cao giá trị trải nghiệm thay vì khai thác đơn thuần tài nguyên.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng các sản phẩm du lịch của Thái Nguyên và Bắc Kạn (trước sáp nhập) có nhiều điểm tương đồng, do đó cần có sự phân định rõ ràng để tránh trùng lặp, đồng thời tập trung xây dựng những sản phẩm mới, phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Việc phát triển du lịch không nên dừng lại ở việc cộng gộp tài nguyên, mà cần tiến tới tích hợp, nâng tầm và làm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến của đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch cho thấy sự thống nhất cao trong quan điểm coi hợp nhất hành chính không chỉ là một sự kiện về mặt tổ chức, mà còn là cơ hội để đổi mới toàn diện mô hình phát triển ngành du lịch của tỉnh. Trong đó, việc sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với định hướng vùng và liên kết vùng, được đánh giá là một yêu cầu cấp thiết.
Ngoài ra, Thái Nguyên cần tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, chuyển đổi số trong du lịch; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với sản phẩm OCOP và xây dựng thương hiệu du lịch xanh, bền vững.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để tích hợp vào các văn kiện chỉ đạo, xây dựng chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và dài hạn, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn vào cơ cấu GRDP, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong bối cảnh mới, cùng với tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận phù hợp, Thái Nguyên có cơ hội lớn để vươn lên trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử hàng đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.