Ngành công nghiệp giải trí nổi tiếng mang lại lợi nhuận cao nhưng đi cùng với đó là chi phí đầu tư cũng đắt đỏ không kém. Ngày nay để tăng thêm tính hấp dẫn với công chúng cũng như tạo ấn tượng mới mẻ và trội bật cho nghệ sĩ của mình, các công ty quản lý luôn dành một ngân sách khổng lồ chỉ để sử dụng cho trang phục biểu diễn. Đó là lý do mà từ MV cho đến sân khấu, các thần tượng Kpop luôn được xuất hiện trong những bộ cánh mới lạ nhất, sành điệu nhất. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc với số lượng trang phục biểu diễn nhiều như thế,chúng sẽ được xử lý ra sao sau mỗi đợt quảng bá?

Triển lãm, đấu giá
Mỗi lần comeback, các group lại được đầu tư concept khác nhau. Số lượng quần áo chuẩn bị cho mỗi lần comeback này cũng rất lớn. Sau khi hết đợt quảng bá, những trang phục khó có thể tái sử dụng ở những MV sau được nhiều công ty giữ lại để phục vụ cho mục đích triển lãm, đấu giá. Đây là cách làm thường xuyên được áp dụng với SM - công ty có hẳn một bảo tàng để trưng bày những món đồ gắn liền với các "gà nhà". Việc triển lãm, đấu giá đặc biệt có hiệu quả với những bộ đồ diễn mang tính biểu tượng, thể hiện đặc trưng màu sắc sản phẩm âm nhạc của các nhóm nhạc, hoặc để lại nhiều ấn tượng trên sân khấu.


Trả lại nhà tài trợ
Ngày nay hình thức nhận tài trợ trang phục không còn là chuyện hiếm. Các chiến dịch quảng bá này cũng là cơ hội để họ hợp tác cùng những thương hiệu thời trang để đẩy mạnh hình ảnh, visual. Ngay cả với những công ty lớn cũng không từ chối hình thức tài trợ này vì đây là cách giúp họ giảm chi phí trang phục đáng kể. Stylist của công ty sẽ phối trang phục được tài trợ theo chủ đề thống nhất, sau khi sử dụng xong những trang phục này sẽ được xử lý và trả lại cho nhà tài trợ.


Đưa vào tủ đồ chung
Các girlgroup của một công ty thường có stylist chung, vì thế họ cũng sử dụng chung một tủ đồ diễn. Tủ đồ này sẽ bao gồm các loại quần áo, phụ kiện có thiết kế đơn giản, có thể phối đa dạng phong cách mà không tạo nên sự trùng lặp. Nhiều lần các girlgroup cùng công ty diện lại đồ của nhau nhưng không phải ai cũng phát hiện ra. Nếu có sự biến tấu phù hợp với concept của từng nhóm, trang phục của họ trông vẫn sẽ rất mới mẻ.

Tuy nhiên việc các nhóm nhạc mặc chung đồ cũng gây không ít tranh cãi, như girlgroup của JYP là một ví dụ. Nhiều lần ITZY bị phát hiện mặc hàng second-hand của đàn chị Twice, điều này khiến các fan không hài lòng.

Tái sử dụng trong concert, fansign hoặc các sự kiện nhỏ/lẻ
Với những trang phục đắt đỏ hoặc có kiểu dáng dễ mix&match, stylist có thể tận dụng đồ diễn cũ bằng cách bảo quản cẩn thận, cho idol mặc lại ở những dịp khác nhau với những cách phối khác nhau, hoặc thay đổi xen kẽ trang phục của các thành viên trong nhóm. Bên cạnh những trang phục cơ bản thường được giữ nguyên kiểu dáng, một số items khác có thể được "chế cháo", cắt xén thành những outfit mới, nếu không tinh ý chắc chắn không nhận ra là đồ cũ.

Các nhóm nhạc cũng có thể sử dụng luôn trang phục đã mặc trong MV để diện lên sân khấu trong những đợt quảng bá. Đây là một cách hợp lý để giảm tải chi phí không nhỏ cho việc sắm trang phục, cắt giảm khối lượng đặc biệt với những nhóm đông thành viên.

