Vnluxury

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Triển lãm cá nhân "Song Trùng & Bản Ngã" của Hoàng Nam Việt với sự đồng hành của giám tuyển Brian Doan đã thành công ghi lại những dấu son cảm xúc vô cùng sâu sắc

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Giữa thành phố Sài Gòn tất bật và đầy biến chuyển, trong một căn phòng cũ nhìn ra con đường Tôn Thất Đạm, một không gian trầm mặc vẫn ngày ngày tỏa ra những tiếng nói thầm lặng của nghệ thuật. Ở đó, Hoàng Nam Việt – người họa sĩ sinh năm 1985, một gương mặt tiêu biểu trong lớp họa sĩ đương đại trẻ sau Đổi Mới đang kiên định đi trên con đường sáng tạo của riêng mình. Không phô trương, không ồn ã, anh chậm rãi vẽ nên những chân dung dịu dàng, đôi khi mơ màng, luôn chứa đựng một bản ngã sâu lắng và một nỗi buồn khó gọi tên.

Triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Song Trùng & Bản Ngã là cột mốc quan trọng trong hành trình nghệ thuật của Hoàng Nam Việt. Triển lãm là một tuyên ngôn, nhưng cũng là một lời cảm tạ. Tại đó, người xem không chỉ bắt gặp những bức tranh, mà được đối diện với cả một thế giới nội tâm của chính nghệ sĩ – thế giới mà anh kiên quyết không phô diễn bằng âm lượng, mà bằng ánh nhìn, màu sắc và sự lặng thinh.

Màu xanh lơ của nỗi cô đơn, tạo nên không gian siêu thực của từng nhân vật

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Khác với nhiều nghệ sĩ đương đại cùng thời, Hoàng Nam Việt chọn cho mình một bảng màu tối giản, gần như đơn sắc, phần lớn là màu xanh lơ, đôi lúc thấp thoáng chút đỏ hoặc vàng. Nhưng chính sự tiết chế ấy lại tạo nên một sức biểu đạt mạnh mẽ. Trong tay Việt, màu xanh không chỉ là màu sắc, mà trở thành một tâm trạng, một không khí, một bầu trời nội tâm mà anh dùng để thổi hồn vào từng nhân vật.

Những chân dung trong tranh Hoàng Nam Việt là bạn bè, người yêu hay chính bản thân anh, không có tính minh họa hay miêu tả cụ thể. Đó là những khối hình trừu tượng, những gương mặt phác họa tối giản nhưng vẫn hiện lên vẻ mong manh đầy kiên nghị. Họ như những bản thể vừa bước ra từ ký ức, từ giấc mơ, hoặc từ một tầng cảm xúc nào đó chưa kịp gọi tên. Có khi là ánh mắt trực diện, có khi là nụ cười mơ hồ, nhưng tất cả đều gợi mở một chiều sâu tâm lý – nơi bản ngã được hé lộ trong im lặng.

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Cách Hoàng Nam Việt đặt nhân vật vào bố cục tranh luôn mang tính đối thoại. Có bức là một không gian siêu thực không tồn tại trọng lực hay tỉ lệ; có bức lại giản đơn, chân thật đến mức trơ trọi. Nhưng trong cả hai cách tiếp cận ấy, người xem luôn cảm nhận được một lời mời: nhìn sâu hơn, cảm sâu hơn. Việt không tô đậm, không cường điệu hóa, mà để từng biểu cảm nhẹ nhất lên tiếng.

“Tôi làm nghệ thuật không phải để trường tồn, mà để hòa mình vào dòng chảy bất tận của thời gian”

Câu nói ấy của Hoàng Nam Việt như một tấm gương phản chiếu tinh thần xuyên suốt của triển lãm. Những nhân vật trong tranh không phải để được lưu danh, mà để được hiểu, được yêu thương, được ghi nhớ – như những linh hồn song trùng, vừa thuộc về anh, vừa thuộc về một phần sâu kín trong mỗi chúng ta.

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Xưởng vẽ của Việt, nằm trên con đường Tôn Thất Đạm – nơi từng mang dấu ấn của hoàng đế Hàm Nghi, người họa sĩ đầu tiên của triều Nguyễn – cũng là một phần không thể tách rời khỏi thế giới nghệ thuật của anh. Tường cũ, khung cửa sổ rộng đón ánh sáng thiên nhiên, những vật dụng cũ kỹ xếp chồng bên tranh vẽ. Mọi thứ như cùng đồng thanh với chất tranh của Việt: thầm lặng, sâu lắng, và đầy tâm sự.

Ngay bên cạnh đó là quán cà phê Hoàng Thị như ốc đảo nhỏ giữa lòng Sài Gòn vang lên tiếng hát Thái Thanh, tiếng guitar Leonard Cohen, và tiếng thở dài của một cô gái trẻ kẹp điếu thuốc trong ánh đèn mờ. Mỗi chi tiết trong không gian này như một phần mở rộng của tranh Việt: có đời, có hồn, có người, và có cả những điều chưa kịp nói.

Quảng cáo

Triển lãm Song Trùng – Bản Ngã của Hoàng Nam Việt: Sự vĩnh cửu của những kết nối mong manh

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn

Song Trùng & Bản Ngã không đơn thuần là một triển lãm hội họa, mà là một nỗ lực ghi nhớ và khắc họa những mối liên kết đã và đang tồn tại trong cuộc đời của Hoàng Nam Việt. Những nhân vật hiện lên trong tranh không chỉ là chân dung, mà là dấu tích của tình cảm, của ký ức, của những chạm khẽ đã từng làm tim rung động.

Họ có thể đã rời xa, hoặc vẫn còn đâu đó trong đời thật. Nhưng trên tranh Việt, họ mãi là một phần không thể xoá nhòa. Họ là song trùng – hiện tại và quá khứ, có thật và không có thật. Và mỗi người đều để lại một vết hằn lên bản ngã của người nghệ sĩ, góp phần tạo nên chính anh hôm nay.

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn
Họa sĩ Hoàng Nam Việt (bên phải) cùng người bạn họa sĩ Nguyễn Công Hoài

Trong một thời đại mà nghệ thuật dễ bị cuốn theo thị trường, trào lưu và sự chú ý nhất thời, Hoàng Nam Việt là một ngoại lệ đầy dũng cảm. Anh chọn đi chậm, chọn tĩnh lặng, chọn nhìn vào bên trong. Và từ đó, anh khơi gợi nơi người xem một niềm tin vào sự chân thành của nghệ thuật – rằng một ánh nhìn sâu, một nét vẽ tối giản, một bảng màu tưởng như nhạt nhòa… vẫn có thể lay động, vẫn có thể làm ta dừng lại, hít thở, và nhớ mình là ai.

Gi ám tuyển Brian Doan chia sẻ:

“Hoàng Nam Việt, cả trong tranh lẫn trong không gian sống của mình, cho thấy một sự khước từ mềm mại khéo léo đối với những chạy đua của thời đại vật chất.

Việt không chạy theo tốc độ, không cố gắng tạo ra những cú sốc thị giác. Thay vào đó, anh chất chứa những khoảng lặng đầy ý nghĩa, nơi chúng ta có thể dừng lại, hít thở và nhận ra dù cho thế giới có vội và đến đâu, thì những suy nghĩ, cảm xúc, ký ức, đặc điểm làm nên con người và những góc khuất của tâm hồn vẫn luôn có một chỗ đứng, một nơi để được nhìn nhận và trân trọng.

Anh là một minh chứng rằng, nghệ thuật không nhất thiết phải gào thét để được lắng nghe, đôi khi trong cuộc đời, sự hợp tan chỉ cần là một tiếng thì thầm hay nghiến chặt răng là đủ”.

Triển lãm của Hoàng Nam Việt: Tiếng thì thầm của bản thể cô đơn
Những người bạn thân thiết đến chúc mừng triển lãm của Hoàng Nam Việt như Tăng Bảo Quyên, Hoàng Mỹ An, Trần Quang Đại…

Triển lãm Song Trùng & Bản Ngã là một hành trình mở cửa bản thể, không chỉ của Hoàng Nam Việt, mà cả của người xem. Triển lãm như một tiếng thì thầm dịu dàng trong thế giới quá nhiều ồn ào. Và đôi khi, chính tiếng thì thầm ấy mới là điều khiến ta lắng nghe nhiều nhất.

THÔNG TIN CHO BẠN

Địa chỉ: CHILLALA – House of Art, 75 Xuân Thủy, Phường An Khánh, TP. HCM

Thời gian triển lãm: 05/07 đến hết 16/07/2025

Giờ mở cửa: 08h00 – 21h00 mỗi ngày

Nguồn https://bazaarvietnam.vn/ Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm