Vnluxury

Vụ adidas kiện Kanye West gây ầm ĩ làng mốt 2024

Ngoài lùm xùm giữa adidas và Kanye West, vụ Dior bị phát hiện bóc lột người lao động Trung Quốc đã gây xôn xao làng mốt trong năm qua.

Năm 2024, ngành thời trang xảy ra nhiều biến động. Từ thương hiệu lớn, sự kiện mang tính biểu tượng cho đến loạt người nổi tiếng đều nằm trong vòng tròn hứng chịu chỉ trích của dư luận. Trong đó, vụ adidas kiện Kanye West khiến báo chí tốn nhiều giấy mực.

Một năm ồn ào của adidas

Sau khi chấm dứt quan hệ hợp tác vào tháng 10/2022, adidasKanye West liên tiếp đưa nhau ra tòa. Phía hãng giày Đức cho rằng scandal của rapper này khiến các nhà đầu tư của họ bị ảnh hưởng. Đến tháng 2, adidas yêu cầu West bồi thường 250 triệu USD.

Bên kia chiến tuyến, rapper tố adidas sử dụng các điều khoản hợp đồng và 50 năm kinh nghiệm kinh doanh để "áp bức một nghệ sĩ được yêu thích giữa ban ngày". Theo rapper, adidas đã không trả tiền những đôi giày mà họ sản xuất dưới tên anh.

Vụ tranh chấp kéo dài không chỉ ảnh hưởng lợi nhuận của adidas mà còn tác động nghiêm trọng đến hình ảnh của West trên thị trường thời trang. Cuối cùng, hai bên chọn cách hòa giải.

Bloomberg dẫn chia sẻ của Bjørn Gulden - giám đốc điều hành adidas: "Không còn vấn đề nào chưa được giải quyết cả. Và cũng không có khoản tiền nào được chuyển cho cả hai bên. Chúng tôi và Kanye đang tiếp tục bước tiếp trên con đường riêng" .

"adias và Kanye xảy ra căng thẳng khi đưa ra hàng loạt yêu sách trước đối phương. Tuy nhiên, cuối cùng, cả hai bên đều thống nhất không cần phải chiến đấu nữa và rút lại tất cả yêu sách này", Gulden nói thêm vào cuối tháng 10.

adidas và Kanye West

Giám đốc tiếp thị của adidas Eric Liedtke và Kanye West tại Milk Studios ở Hollywood, California. Ảnh: CNN.

Khép lại lùm xùm với chồng cũ Kim Kardashian, adidas bị các công tố viên hình sự và điều tra viên hải quan khám xét trụ sở công ty ở Herzogenaurach (Đức) trong 2 ngày liên tiếp, đánh dấu sự leo thang trong cuộc điều tra kéo dài nhiều năm về nghi ngờ trốn thuế của thương hiệu thể thao này. Theo Financial Times, trong các nghi vấn, số tiền trốn thuế có thể lên tới hơn 1,1 tỷ euro (khoảng 1,15 tỷ USD).

Bên cạnh đó, nhiều địa điểm kinh doanh khác và nơi cư trú riêng của nhân viên công ty cũng bị khám xét, theo những người nắm rõ vấn đề.

Dù hình ảnh đang bị ảnh hưởng, "gã khổng lồ" đồ thể thao của Đức khẳng định cuộc điều tra kéo dài khó có khả năng gây ra "tác động tài chính đáng kể" tới công ty.

Dior bóc lột lao động Trung Quốc

Theo Reuters, kể từ tháng 6, tòa án Milan (Italy) đưa thương hiệu Christian Dior vào diện theo dõi nghiêm ngặt trong một năm, sau khi chính quyền phát hiện hãng này bóc lột người lao động Trung Quốc trong các nhà máy ở chi nhánh Milan và Brianza.

Quảng cáo

Tài liệu của tòa án cho biết các công nhân bị buộc phải ngủ tại nơi làm việc để đảm bảo có nhân lực sẵn sàng 24/24, sống và làm việc trong điều kiện vệ sinh và sức khỏe dưới mức tối thiểu. Theo dữ liệu về mức tiêu thụ điện, chu kỳ sản xuất ngày đêm liền mạch, kể cả trong những ngày nghỉ lễ. Các thiết bị an toàn đã được loại bỏ khỏi máy móc để cho phép chúng hoạt động nhanh hơn.

Tất cả điều này giúp Dior và nhà thầu hạn chế chi phí, đảm bảo hãng chỉ tốn 53 Euro để sản xuất một chiếc túi xách, nhưng bán ra thị trường với giá 2.600 Euro. Thông tin khi được công bố đã gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội. Nhiều người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay thương hiệu đình đám này.

adidas và Kanye West

Thương hiệu Dior bị tẩy chay sau vụ bóc lột người lao động. Ảnh: Foture.

Mặc dù Dior không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tòa án nhận thấy thương hiệu đã cẩu thả khi không thực hiện các biện pháp thích hợp để kiểm tra điều kiện làm việc của người lao động, ngược lại còn dửng dưng trước hành vi bóc lột.

"Cuộc điều tra của tòa án cũng cáo buộc các hoạt động sản xuất phi đạo đức như vậy diễn ra khắp Italy - nơi hàng nghìn nhà sản xuất lớn nhỏ do nước ngoài sở hữu cung cấp cho các thương hiệu xa xỉ những mặt hàng có thể được gắn nhãn hiệu "Made in Italy" danh giá, nhưng lại được sản xuất với giá "Made in China", Forbes viết.

Trước Dior, một phán quyết tương tự được áp dụng đối với Giorgio Armani. Thương hiệu này bị "sờ gáy" vì không giám sát các nhà máy sản xuất.

Biểu tình phản đối Met Gala

Đại tiệc thời trang Met Gala năm nay có chủ đề "Người đẹp ngủ trong rừng: Thời trang tái thức tỉnh". Thảm đỏ chứng kiến những màn khoe sắc lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nhiều bộ cánh đắt tiền do được đính kết công phu. Được tổ chức trong thời điểm xã hội xảy ra nhiều vấn đề, Met Gala không tránh khỏi chỉ trích.

Theo New York Times, vào khoảng 18h ngày 8/5, đám đông hàng trăm người đã tụ tập ở khu Madison Avenue, gần khách sạn Mark và Carlyle - nơi những người nổi tiếng chuẩn bị cho buổi dạ tiệc - để biểu tình. Trước đó, nhóm người này đã đi vòng quanh Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, nơi diễn ra Met Gala, để phản đối.

"Met Gala là khoảnh khắc mang tính cường điệu, thu hút được sự chú ý của nhiều người. Các cuộc tẩy chay của người nổi tiếng đã diễn ra", Marcus Collins - phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Michigan - bình luận sau khi thấy đám đông bức xúc, chỉ trích.

adidas và Kanye West

Diễn viên Zendaya diện trang phục cầu kỳ tại Met Gala 2024. Ảnh: Vogue.

Trong sự kiện này, người mẫu Haley Kalil đã quay video nhép câu hát khét tiếng "Let them eat cake" được cho là của Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, trong khi mặc một chiếc váy hoa lấy cảm hứng từ thế kỷ 18 lúc đưa tin về Met Gala. Đoạn clip lan truyền của Kalil bị chỉ trích không phù hợp hoàn cảnh.

Trên X và Instagram, các hashtag #celebrityblocklist, #letthemeatcake và #blockout trở nên thịnh hành với mục đích yêu cầu loại bỏ các ngôi sao vì chỉ lo ăn mặc đẹp và im lặng trước các vấn đề xã hội. Kim Kardashian, Beyoncé, Kylie Jenner, Zendaya, Miley Cyrus, Selena Gomez, Khloe Kardashian, Ariana Grande, Doja Cat, Demi Lovato, Lizzo, Nicki Minaj... nằm trong danh sách bị tẩy chay.

Theo Hindustan Times, vì im lặng, họ đã mất hàng trăm đến hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

Nguồn https://lifestyle.znews.vn/lifestyle-style.html Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm