Yến sào từ lâu đã nổi lên như một loại thực phẩm đắt đỏ và được săn lùng nhờ tính bổ dưỡng của chúng. Cùng tìm hiểu sâu hơn về loại thực phẩm này trong bài viết dưới đây.
Yến sào – cao lương mỹ vị hiếm có khó tìm
Yến sào hay tổ yến là loại thực phẩm kiêm dược phẩm được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Á. Tại Việt Nam, yến sào được xếp vào một trong tám cao lương mỹ vị (Bát Trân) hiếm có khó tìm.
Nếu như phương Tây có trứng cá caviar thì phương Đông huyền bí tự hào với món yến sào độc đáo. Trong các quốc gia tiêu thụ yến sào tại châu Á thì dường như Trung Quốc là đất nước có thâm niên sử dụng cũng như nắm trong tay nhiều bí quyết về yến sào nhất. Đây cũng là món ăn đắt đỏ, trung bình một bát canh nhỏ khoảng 100 gram cũng có giá lên tới gần 100 USD.
Cũng giống như gan ngỗng, tổ yến nhận về nhiều sự phản đối của những nhà hoạt động vì môi trường, động vật. Họ cho rằng hoạt động khai thác tổ yến gây ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của loài yến. Hơn nữa, không chỉ khó tìm, mà việc khai thác tổ yến còn gây ra những nguy hiểm nhất định cho người thực hiện.
Giá trị dinh dưỡng được đem ra tranh cãi
Yến sào trên thực tế là tổ hợp của nước dãi của loài chim yến. Chúng có thể chứa một vài vi sinh vật có lợi. Nhiều người cực đoan cho rằng sản phẩm này đã được tiếp thị hóa quá mức và sự khan hiếm của chúng như một cái cớ hợp lý cho “cơn sốt” yến sào chưa có hồi kết.
Trên trang tạp chí “American Journal of the Medical Sciences” vào năm 1999 có viết bài về việc loại thực phẩm này chứa thạch tín khiến người dùng bị ngộ độc. Và thời điểm ấy chưa có tổ chức hay nhà khoa học uy tín nào công khai về đặc tính dinh dưỡng của yến sào.
Cũng giống như gan ngỗng, tổ yến nhận về nhiều sự phản đối của những nhà hoạt động vì môi trường, động vật. Họ cho rằng hoạt động khai thác tổ yến gây ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của loài yến. Hơn nữa, không chỉ khó tìm, mà việc khai thác tổ yến còn gây ra những nguy hiểm nhất định cho người thực hiện. Việc mơ hồ trong quá trình xác định tính dinh dưỡng cùng với nhiều phản đối của các cá nhân, tổ chức khác nhau không những khiến món ăn này trở nên kém thu hút mà ở chiều ngược lại, yến sào ngày càng được… săn lùng nhiều hơn.
Theo chuyên trang Live Science, thì các nhà nghiên cứu cho rằng giá trị dinh dưỡng của yến sào vẫn còn rất bí ẩn: “Hoạt tính sinh học và giá trị y học của yến sào vẫn còn là câu hỏi bởi chưa có tổ chức khoa học nào có nghiên cứu chính thức về nó”.
Live Science cũng cảnh báo rằng yến sào không phù hợp cho tất cả mọi người. Nhiều người sau khi tiêu thụ loại thực phẩm này đã có triệu chứng sốc phản vệ – một phản ứng đe dọa đến tính mạng họ. Tiếp theo, cũng tại bài viết của mình, Live Science có nhiều góc nhìn khách quan hơn về tính dinh dưỡng của chúng: “Protein là thành phần phong phú nhất của tổ yến, chứa tất cả các axit amin thiết yếu, là thành phần tạo nên protein. Các nhà nghiên cứu viết rằng chúng cũng chứa sáu loại hormone, bao gồm testosterone và estradiol. Tổ yến cũng chứa carbohydrate, tro và một lượng nhỏ lipid (các phân tử tự nhiên bao gồm chất béo). Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tổ yến chứa các chất có thể kích thích sự phân chia và phát triển tế bào, tăng cường sự phát triển và tái tạo mô, đồng thời có thể ức chế nhiễm trùng cúm”.
Theo một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì yến sào có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, còn nghiên cứu vào năm 2011 từ Khoa Giải phẫu thuộc Đại học Quốc gia Malaysia cho rằng việc nạp món ăn này vào cơ thể sẽ giúp giác mạc khỏe mạnh hơn.
Dường như sự tranh cãi sẽ không có hồi kết. Và song song với quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về yến sào, sự khan hiếm và giá cả của loại thực phẩm này ngày càng tăng lên như một cách thách thức mà các nhà kinh doanh sản phẩm này đặt ra cho những ai quan tâm tới chúng.
Hoạt động tiếp thị yến sào
Như các bài báo khoa học chỉ ra thì yến sào chứa phần lớn là protein, chất xơ, carbohydrates – những chất dinh dưỡng có thể tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm khác có giá cả vừa phải.
Không chịu thua, các tổ chức “ủng hộ” tính dinh dưỡng của yến sào cho rằng trong yến sào chứa chất trytophan – một acid amin quý hiếm giúp ngủ ngon mà cơ thể không tự tổng hợp được. Và một lần nữa, mọi người tiếp tục săn lùng yến sào hòng “xoa dịu” giấc ngủ của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, lượng trytophan trong yến sào ít ỏi và chúng ta không quá khó tìm trytophan trong các thực phẩm khác như thịt gà, cá…
Việc luồn lách trong các kẽ hở dinh dưỡng và đánh vào tâm lý muốn khỏe mạnh, “bổ nữa bổ mãi” của phân khúc khách hàng trung lưu, những nhà kinh doanh yến sào đã thực sự thành công trong việc quảng bá và “thần thánh” hóa loại thực phẩm được làm từ dãi của loài chim yến.
Câu chuyện về tính dinh dưỡng của yến sào vẫn tiếp tục là nguồn cơn tranh cãi của nhiều bên, từ nhà khoa học, nhà hoạt động môi trường, nhà động vật cho tới những đơn vị kinh doanh yến sào. Duy chỉ có người tiêu dùng là những đối tượng dễ “hoang mang” nhất và cần cái nhìn tỉnh táo để quyết định rằng bản thân có cần yến sào trong thực đơn hay không.
Nhìn chung đây là một món ăn chơi có sự độc đáo, mới lạ và thanh tao. Chính sự chăm chút và đặc sắc trong cách chế biến như xúp yến, chè yến… đã mang món ăn này lên những bàn tiệc sang trọng, đắt đỏ và xa xỉ bậc nhất.
Nếu không quá quan trọng về tính dinh dưỡng của yến sào, và không có vấn đề gì với các hoạt động khai thác liên quan, chúng ta hoàn toàn có thể thưởng thức món ăn này như một cách trải nghiệm ẩm thực phương Đông nhiều màu sắc, phức tạp mà tinh tế.