Cuộc đại di cư của 15.200 triệu phú Trung Quốc
Theo Báo cáo tài sản cá nhân được công ty tư vấn cư trú Henley thực hiện năm 2024, các triệu phú trên toàn thế giới đang thực hiện cuộc đại di cư. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia chứng kiến tình trạng này một cách rõ ràng nhất.
Nhiều triệu phú ở Trung Quốc quyết định di cư trong năm nay. Ảnh minh hoạ
Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến các thương hiệu hàng hóa xa xỉ quyết định tấn công thị trường tỷ dân. Một số nhãn hàng chia sẻ mong muốn theo chân các triệu phú Trung Quốc dù nhóm khách hàng mục tiêu này di chuyển đến đâu, theo Jing Daily.
Chuyện gì đang xảy ra?
Khoảng 15.200 triệu phú (những người có khối tài sản ròng trên 1 triệu USD) dự kiến rời khỏi Trung Quốc vào năm 2024. Con số này trong năm 2023 là 13.800.
Vương quốc Anh đứng thứ 2 trong danh sách của Henley, mất 9.500 triệu phú trong năm nay. Ấn Độ xếp thứ 3, ghi nhận 4.300 người rời đi.
Vậy những triệu phú này sẽ đi đâu? Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trở thành điểm đến lý tưởng cho các triệu phú mong muốn di cư.
Các triệu phú Trung Quốc có thu nhập cao là đối tượng dễ dàng nhập cư tại nhiều đất nước.
6.700 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao dự kiến đến UAE trong năm nay. Họ bị thu hút bởi chính sách miễn thuế thu nhập.
Mô hình này cho thấy sự tái cân bằng trong dòng chảy tài sản toàn cầu. Một số quốc gia thực hiện chế độ nhập cư nhanh chóng cho các nhà đầu tư giàu có nhằm thu hút nhóm dân cư này.
Các triệu phú Trung Quốc có thu nhập cao là đối tượng dễ dàng nhập cư tại nhiều đất nước.
2024 được đánh giá là một năm quan trọng đối với làn sóng di cư của triệu phú Trung Quốc. Để ngăn chặn dòng chảy ra của tài sản, chính quyền Trung Quốc hạn chế số tiền mà mỗi công dân có thể mang ra khỏi đất nước ở mức 50.000 USD/năm. Tuy nhiên, tình trạng di cư vẫn không cải thiện.
Theo Dominic Volek, Trưởng nhóm Khách hàng cá nhân của Henley, làn sóng di cư lớn của các triệu phú giống với đợt rời tổ của những chú chim hoàng yến. Xu hướng này báo hiệu sự thay đổi sâu sắc ở những mảng kiến tạo nên sự thịnh vượng và quyền lực trên thế giới.
“128.000 triệu phú có khả năng di cư trong năm nay, vượt qua con số kỷ lục 120.000 được thiết lập vào năm ngoái. Khi chính trị, kinh tế và xã hội đều biến động, những người giàu cũng góp phần kiến tạo nên bức tranh hỗn độn này”, Dominic Volek nói.
Thương hiệu hàng hoá cao cấp mong muốn theo chân các triệu phú Trung Quốc.
Thương hiệu xa xỉ theo chân
Nỗ lực giảm thiểu sự phân biệt giàu nghèo của Trung Quốc khiến nhiều triệu phú lo lắng.
Gần đây, quốc gia này đã tiến hành các phương pháp hạn chế lối sống tôn thờ vật chất. Loạt KOL khoe của bị xóa tài khoản mạng xã hội.
Nhiều nội dung liên quan đến phô trương vật chất, tiền tài trên Douyin và Weibo cũng bị báo cáo và gỡ bỏ.
Nắm bắt xu hướng di cư của các triệu phú Trung Quốc, nhiều thương hiệu xa xỉ thể hiện quyết tâm theo chân nhóm đối tượng khách hàng này bất chấp vị trí địa lý. Các nhãn hàng nỗ lực tìm kiếm điểm chạm văn hoá và cảm xúc khi tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng.
Theo báo cáo về ảnh hưởng của người Trung Quốc ở nước ngoài đối với thị trường hàng hóa xa xỉ do Jing Daily thực hiện, những người này có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, nền văn hoá khi di cư, từ đó trở nên cởi mở hơn, dẫn đầu các xu hướng tiêu dùng.
Giới siêu giàu trở thành đối tượng tiêu dùng nòng cốt, có thể thúc đẩy mức chi tiêu.
Mặc dù thị trường hàng hóa xa xỉ đang gặp khó, nhiều nhà phân tích tin vào khả năng phục hồi của lĩnh vực. Giới siêu giàu trở thành đối tượng tiêu dùng nòng cốt, có thể thúc đẩy mức chi tiêu. Để chinh phục nhóm khách hàng này, các thương hiệu cao cấp vẫn tập trung vào tính cá nhân hoá và sự độc quyền.