Khi bắt đầu một dự án, KTS sẽ có những ý tưởng, phương án nào cho việc phân chia các không gian trong nhà?
Tiêu chí thiết kế của team mình là luôn chú trọng tới không gian và sự kết nối giữa các không gian với nhau. Dù là nhà đất hay chung cư, điều này vẫn luôn rất quan trọng.
Team mình luôn bắt đầu các dự án bằng việc phân tích hiện trạng, các điểm mạnh và điểm yếu của khu đất. Chẳng hạn ở đó view gì, hướng ánh sáng và mặt trời ra sao, có những đặc điểm gì nổi bật. Các phương án thiết kế và phân chia không gian là câu trả lời cho các câu hỏi khi phân tích hiện trạng, kết hợp với nhu cầu sử dụng của chủ nhà. Nhờ vậy mà các thiết kế bên mình thường không giống nhau, vì mỗi khu đất/ chung cư lại khác nhau và nhu cầu sử dụng cũng khác nhau.
Ví dụ: Như ở căn nhà Kiêu Kỳ House có hướng nhìn ra sông Bắc Hưng Hải rất đẹp nhưng chủ nhà cũ không tận dụng và ngăn lại hoàn toàn. Giải pháp thiết kế của bên mình đó là mở rộng view nhìn này và bố trí tất cả các không gian tầng 1 như phòng khách, bếp, ăn và gác lửng đều hướng ra “khung tranh tự nhiên” này.
Gần như không có rào cản giữa các không gian. Tất cả các hoạt động sinh hoạt của gia đình trong khu vực chung này có sự kết nối với nhau và diễn ra dưới 1 cái nền (backdrop) tự nhiên - Mặt nước, cây xanh, ánh nắng lấp lánh rọi vào nhà, chiếu xuống dòng sông và qua từng tán cây. Tất cả tạo nên 1 khung cảnh ấm áp, hài hòa và nên thơ.
Còn đối với chung cư thường sẽ không có nhiều lựa chọn như nhà đất do các đường thoát nước khu vực nhà vệ sinh gần như không di chuyển được. Do đó, mình thường cố gắng kết nối các phòng ngủ phụ, WC hoặc phòng làm việc vào không gian chung thông qua các vách ngăn mềm, có thể đóng hoặc làm kín lại nếu cần riêng tư.
Ví dụ: Trong căn nhà chung cư của nhiếp ảnh gia người Mỹ bên mình mới làm xong, hệ gạch kính trong phòng WC tầng 2 đóng vai trò như 1 chiếc đèn lồng, tăng cường sáng cho khu vực sinh hoạt chung ở dưới và tạo ra điểm nhấn nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư khi sử dụng.
Phòng khách và phòng bếp luôn là không gian được ưu tiên thiết kế nhất đối với mỗi gia đình. Theo anh tại sao lại như vậy?
Khu bếp là không gian được sử dụng nhiều nhất nên rất dễ hiểu khi đây là khu vực được ưu tiên thiết kế nhất đối với mỗi gia đình. Khu vực này cũng có nhiều máy móc, dụng cụ và là nơi có nhiều hoạt động, thao tác diễn ra nên mình thường dành nhiều thời gian để thiết kế khu vực này cùng với người nội trợ chính của các gia đình.
Mình được học tập và đào tạo tại Úc nên bị ảnh hưởng bởi không gian mở (Open Plan) của người dân Úc. Mình rất thích sự kết nối ở không gian này trong các gia đình ở Úc, khi người nội trợ có thể vừa nấu ăn và vẫn trò chuyện được với các thành viên gia đình ở phòng khách cũng như quan sát trẻ em học bài ở bàn ăn hoặc chơi ở sân sau.
Đó là 1 khung cảnh gia đình sum vầy, ấm cúng khiến ai cũng muốn trở về mà, sự kết nối mà mình luôn hướng đến cho mỗi căn nhà bên mình thiết kế, thay vì để phòng bếp ở 1 tầng riêng biệt và phòng khách ở 1 tầng riêng. Có thể do ngày xưa khu bếp dành cho phụ nữ, còn đàn ông lo công việc và tiếp khách nên các không gian bị tách biệt khỏi nhau. Nhưng ngày nay cuộc sống hiện đại mình thấy rất nhiều đàn ông tham gia nấu ăn hoặc cùng chung tay làm việc nhà, chăm lo con cái cùng phụ nữ, điều này cũng có thể là một phần lý do giúp kéo gần khoảng cách giữa không gian phòng khách và phòng bếp. Tất nhiên phong cách làm bếp ở nước ngoài khá khác ở Việt Nam nên khi áp dụng sẽ cần có những thay đổi để phù hợp với văn hóa địa phương.
Không như phòng bếp, phòng khách theo kinh nghiệm của mình thấy thì tùy thuộc vào từng gia đình. Có những căn nhà mà gia chủ hay tổ chức các buổi liên hoan đón tiếp bạn bè thì khu vực này thường được đầu tư những bộ sofa lớn và trang trí để tiếp khách. Nhưng có những gia đình không có nhu cầu tiếp khách quá nhiều nên họ gần như bỏ hẳn phòng khách và sofa, có thể làm không gian rộng cho trẻ em chơi, chỉ đơn giản là cho thoáng không gian.
Nhà mỗi người một độ tuổi, một tính cách khác nhau, làm thế nào để thiết kế không gian chung nhưng vẫn phù hợp với mỗi người?
Mỗi thiết kế mình thường có 2 phần - Công năng và thẩm mỹ.
Về phần công năng thường sẽ phải phù hợp với tất cả người sử dụng trong gia đình, vì cơ bản căn nhà là nơi để sinh sống nên tiện nghi cho người sử dụng luôn cần đặt lên hàng đầu. Bên mình sẽ lắng nghe nhu cầu sử dụng của tất cả các thành viên trong gia đình, từ đó đưa ra giải pháp công năng phù hợp.
Ví dụ: phòng cho người lớn tuổi sẽ được bố trí ở tầng 1 (trệt), và nếu có điều kiện sẽ có các lối lên xuống và khoảng rộng phù hợp cho xe lăn. Hoặc như căn Motts House bên mình mới làm cho anh chồng người Mỹ cao gần 2m và chị vợ Việt Nam nhỏ nhắn, các Lavabo trong nhà WC được bố trí với chiều cao khác nhau, phù hợp với cách sử dụng của 2 người.
Về phần thẩm mỹ, các gia chủ khi tìm đến Luke Nguyen Lab thường đã yêu thích phong cách bên mình và có sự trao đổi thống nhất với các thành viên khác trong gia đình trước khi lựa chọn. Vậy nên mình thường không gặp nhiều khó khăn trong khâu này. Phong cách ấm áp, nhiều ánh sáng và khá dễ chịu của bên mình thường cũng hợp với nhiều lứa tuổi.
Ngoài phòng bếp hay phòng khách, còn không gian nào có thể làm bật lên sự ấm cúng, sum vầy này không?
Theo mình ngoài bếp và phòng khách, các không gian ngoài trời như ban công ở chung cư, hay sân sau cho nhà đất là nơi được sử dụng cho các buổi đoàn tụ sum vầy. Các không gian này thường được bên mình bố trí sát với khu vực phòng khách, bếp và bàn ăn, đóng vai trò như 1 không gian mở rộng cho các khu vực này. Ở các nhà phố, không gian sân thượng được sử dụng cho các buổi đoàn tụ, liên hoan và BBQ ngắm thành phố. Ban công nhỏ ở các chung cư thường là nơi các gia đình trẻ ngồi chill, ăn sáng và trồng cây xanh.
Những lưu ý khi lựa chọn nội thất trong những nơi sinh hoạt chung của gia đình như phòng khách, phòng bếp?
Không gian phòng bếp được sử dụng nhiều và hao mòn nhanh nên nếu gia đình có điều kiện nên đầu tư các thiết bị và phụ kiến tốt. Ví dụ: như các ray trượt, bản lề, tay nâng... loại tốt của các hãng như Hafele hoặc Blum. Đá bếp sử dụng các loại dễ lau chùi, chống xước và ố. Tủ bếp thì tùy vào điều kiện hiện trạng, nếu ẩm thấp nên dùng inox hoặc gỗ nhựa cho khoang tủ dưới để tránh ẩm thấp. Phương án chi phí thấp có thể xây gạch tủ bếp dưới và dùng cánh gỗ, cũng giúp tạo hiệu ứng như tủ gỗ thường.
Phòng khách thì tùy nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình khi lựa chọn nội thất. Không có lý do gì mà mua 1 chiếc sofa đắt tiền nhưng lại hiếm khi sử dụng phòng khách. Các gia chủ cần để ý cách thức sử dụng không gian của gia đình, từ đó lựa chọn mua sắm nội thất cho phù hợp và tránh lãng phí.
Theo anh, vật liệu góp phần thế nào trong kết nối cảm xúc?
Vật liệu đóng vai trò rất quan trọng trong thiết kế nội thất và tạo nên cảm xúc cho người sử dụng. Ngoài hiệu ứng thị giác thì vật liệu giúp tăng giá trị về cảm giác chạm.
Một phương pháp bên mình hay dùng đó là sự tương phản về vật liệu, đặt bề mặt nhẵn cạnh bề mặt thô ráp sần sùi, tạo nên sự hấp dẫn cho một không gian tối giản. Mình cũng hướng tới một tone trung tính cho các thiết kế của mình, sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, đá và cây xanh, tạo cảm giác ấm cúng, dễ chịu và gần gũi. Các vật liệu kim loại bóng cũng có được sử dụng nhưng ở một lượng nhỏ, đủ để tạo sự sang trọng và điểm nhấn. Mình nghĩ chúng ta đều xứng đáng được bao quanh bởi những đồ vật đẹp nhưng nên ở mức vừa đủ, đừng để chúng sở hữu mình.
Còn vai trò của màu sơn trong việc tạo cảm giác sum vầy? Anh có thể gợi ý một số tone màu có thể sử dụng?
Mình đã thử sử dụng khá nhiều màu trong thiết kế nhưng cuối cùng lại quay về với tone trắng sáng vì màu này giúp tán xạ ánh sáng tốt, giúp đưa ánh sáng vào sâu trong nhà, làm không gian cảm giác rộng hơn. Đối với mình màu sơn cũng như kết cấu trần tường sàn đóng vai trò như một chiếc nền (backdrop) để các thứ khác nổi lên.
Cảm giác ấm cúng sum vầy theo mình đến từ đồ gỗ, đồ rời và các đồ decor của gia đình, làm tôn nên sự ấm cúng cho không gian. Một thiết kế của mình sẽ được chia làm nhiều lớp (layers). Nếu lớp kết cấu chính - trần tường sàn và màu sơn đã bị rối và nhiều thì khi lớp đồ đạc gia đình vào sẽ thành 1 mớ hỗn độn. Mình thường hướng tới sự cân bằng giữa các lớp trong thiết kế, tránh quá tham mà để mất chính phụ.
Về ánh sáng bao gồm cả ánh sáng tự nhiên và thiết bị chiếu sáng, nên vận dụng chúng như thế nào?
Cả ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo đều cần chú trong để tạo nên sự ấm cúng sum vầy của một căn nhà.
Đối với các công trình nhà đất, khu vực không gian chung thường được bố trí vào hướng Nam để đón được ánh sáng mặt trời tốt. Ánh sáng tự nhiên cũng được dẫn lối, phản chiếu và phản xạ trên các bề mặt để vào sâu các không gian không được tiếp cận ánh sáng.
Tranh, gương và vật liệu kính cũng được sắp xếp giúp sự phản xạ và tán xạ này. Khi có nhiều ánh sáng, không gian cảm giác rộng rãi và con người thoải mái và tích cực hơn. Mình nghĩ con người cũng như cây xanh, bị thu hút đến những nơi có ánh sáng. Tùy theo từng công trình, các phương án ngăn cách mềm như kính hoặc gạch kính giữa các không gian chung và các phòng sẽ được sử dụng, giúp ăn gian ánh sáng vào không gian chung và làm cho không gian này cảm giác được rộng rãi hơn.
Ánh sáng nhân tạo (đèn) được bố trí thành 3 lớp. Lớp chính (khi cần nhiều sáng), lớp điểm nhấn (khi cần tạo mood và chill chill) và lớp task để đọc sách hoặc làm việc. Bố trí ánh sáng thành các lớp giúp không gian trở nên linh hoạt hơn, phục vụ được nhiều nhu cầu khác nhau của người sử dụng hơn là chỉ bật 1 đèn sáng toàn bộ nhà. Khi lựa chọn đèn, gia chủ cần chú ý công suất, nhiệt độ màu, độ dày đèn và chỉ số hoàn màu CRI. Các gia chủ có thể liên lạc các công ty đèn có cung cấp đèn để được tư vấn bố trí ánh sáng.
Có nhất thiết phải đắp nhiều nội thất mới dễ kết nối các không gian không? Nếu theo phong cách tối giản thì cách kết nối có gì khác biệt để tạo cảm giác sum vầy?
Theo mình thiết kế không gian là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự kết nối chứ không phải đắp nhiều đồ nội thất. Khi đã có được sự kết nối này rồi thì đồ đạc sẽ giúp bổ trợ thêm tiện ích khi sử dụng. Ngược lại khi không gian không có sự kết nối thì dù có đắp đồ nội thất đắt tiền cũng không cải thiện được. Các không gian vẫn sẽ bị tách biệt hoàn toàn và không có sự liên quan gì đến nhau. Tưởng tượng 1 buổi đoàn tụ gia đình vào dịp Tết mà 1 nhóm ở phòng bếp, còn 1 nhóm ở phòng khách thì theo mình đó không phải là sự sum vầy chúng ta hướng tới khi về nhà.
Bài viết nằm trong chuỗi nội dung thuộc Ấn phẩm House n Home 03 Tết Về Nhà. Ấn phẩm là sản phẩm nội dung độc quyền thuộc Meta Content House n Home, được sản xuất và biên tập bởi đội ngũ thực hiện nội dung chuyên nghiệp, cùng với sự tư vấn của ban chuyên môn gồm các chuyên gia, đơn vị có tiếng trong ngành.