Kiến trúc Việt Nam thế kỷ XX: Biểu tượng độc nhất
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nằm gọn trong lòng Đà Lạt đầy thơ mộng, giữa rừng thông bạt ngàn với một không gian xanh rộng lớn. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi truyền thống giáo dục lâu đời mà còn thu hút du khách với những kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn thời gian.
Toàn cảnh trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Được người Pháp thành lập vào năm 1927, công trình do kiến trúc sư Moncet trực tiếp đứng ra thiết kế cũng như chỉ đạo xây dựng đạo xây dựng. Ban đầu, trường có tên là Petit Lycée Dalat, sau năm 1930 được đổi thành Grand Lycée de DalatLycée Yersin nhằm tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ.
Bấy giờ, trường chỉ đào tạo con em quan chức, binh lính Pháp và một số gia đình địa chủ người bản xứ có tiềm lực kinh tế lớn học.
Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, rồi là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.
Trường nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 2km, ẩn mình trong những rặng thông xanh bạt ngàn. Bước vào khuôn viên trường, du khách như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, tách biệt khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của phố thị.
Nơi đây sở hữu một không gian xanh rộng lớn, thoáng đãng với những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi, những thảm cỏ xanh mướt trải dài và những khóm hoa rực rỡ khoe sắc. Không khí trong lành, mát mẻ cùng tiếng chim hót líu lo tạo nên một bầu không khí vô cùng thư thái và dễ chịu.
Dãy lớp học được xây dựng từ gạch đỏ với những chi tiết hình vòng cung
Dù đã trải qua gần 100 năm nhưng trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vẫn giữ được những kiến trúc mang phong cách tân cổ điển. Các công trình được xây dựng từ các vật liệu như gạch ép ốp tường, ngói thạch bản xanh đen được kỳ công vận chuyển từ Pháp về.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được thiết kế theo lối kiến trúc cổ kính châu Âu với những dãy nhà cao tầng, mái ngói cong cong và những ô cửa sổ vòng cung. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là kiến trúc nơi đây vẫn phảng phất nét đặc sắc của Việt Nam, thể hiện qua những chi tiết trang trí như hoa văn, phù điêu trên các bức tường, mái hiên...
Sự hòa hợp tinh tế giữa hai phong cách kiến trúc Đông - Tây đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng cho ngôi trường.
Dãy lớp học (chiều dài phía trước hơn 77m, phía sau gần 90m, gồm ba tầng lầu và 24 phòng học) hình vòng cung được ví như hình ảnh một cuốn sách đang mở ra. Tường được xây cách điệu các mái vòm với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà. Đây cũng là nét kiến trúc đặc trưng của vùng Morger (Thụy Sĩ), quê hương của Alexander Yersin.
Một địa điểm du khách nhất định phải tới khi thăm trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là chiếc tháp chuông cao 54m. Tháp được lợp ngói thạch bản mang vẻ đẹp xưa cũ, tuy đã đi qua bao nhiêu tháng năm thời gian nhưng vẫn không phai đi vẻ đẹp cổ điển của mình.
Tháp chuông hệt như một cây bút lớn - biểu tượng của tri thức đứng sừng sững cùng với thời gian.
Bên ngoài tháp chuông còn lưu giữ những vết tích của chiếc đồng hồ lớn và quả chuông vang vọng một thời. Tuy cả hai đã bị tháo dỡ từ lâu, nhưng những dấu ấn ấy vẫn như lời nhắc nhở các thế hệ sinh viên về những giá trị truyền thống của nhà trường.
Từ trên đỉnh tháp chuông nhìn xuống, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh thành phố Đà Lạt thơ mộng và hữu tình. Những mái nhà ẩn hiện trong sương mù, những con đường uốn lượn quanh đồi, những hàng thông xanh rì rào trong gió... tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng lãng mạn và say đắm lòng người.
Với không gian xanh mát, thoáng đãng và kiến trúc hài hòa, độc đáo, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt không chỉ là một môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên mà còn là điểm tham quan Đà Lạt thu hút đông đảo du khách. Đến đây, du khách có thể tham quan khuôn viên trường, chụp ảnh lưu niệm, hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận bầu không khí bình yên, lãng mạn của thành phố mộng mơ.
Một thời, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt từng được đánh giá là tòa nhà sư phạm đẹp và hiện đại nhất. Đây cũng là công trình duy nhất của Việt Nam được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.
Một số không gian bên trong trường.
Nhận xét về kiến trúc độc đáo của ngôi trường này, kiến trúc sư Kunđara Peki (người Nhật Bản) đã đánh giá: “Xét về kiến trúc tiện dụng, hiện đại thì thế giới có nhiều, đất nước chúng tôi cũng rất nhiều. Nhưng về sự độc đáo và mang biểu trưng của văn hóa thì công trình này của Việt Nam thật là tuyệt vời”.
Tuy sở hữu những nét đẹp riêng biệt, khó có công trình nào khác có thể so sánh được, nhưng phải đến tận tháng 12/2001, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt mới được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Năm 2022, trường được đổi tên là Cao đẳng Đà Lạt trên cơ sở sáp nhập 3 trường cao đẳng ở Lâm Đồng.
Trước đây, du khách có thể đến tham quan trường tất cả các ngày trong tuần. Tuy nhiên, do lượng du khách tăng đột biến nên nhà trường có đưa ra những quy định về giờ giấc tham quan cụ thể. Đối với những đoàn khách lớn cần phải liên hệ trước với Ban giám hiệu nhà trường để được sắp xếp thời gian tham quan hợp lý.