Phiên bản giới hạn 30 chiếc này, được trang bị bộ máy cơ động mới được thiết kế riêng và sẽ không bao giờ được tái sử dụng, cũng nổi bật với bộ vỏ kiểu sĩ quan bằng bạch kim và mặt số tráng men Grand Feu đen tuyền làm nền cho bức tiểu họa tráng men Grand Feu trắng và xám, thể hiện chân dung Philippe Stern.
Kể từ khi thành lập vào năm 1839, nhà chế tác Patek Philippe đã để lại dấu ấn vững chắc như một nghệ nhân tài ba trong thế giới đồng hồ điểm chuông, cho dù đó là những chiếc đồng hồ tự động điểm báo thời gian trôi qua (grande sonnerie, petite sonnerie) hay điểm báo theo yêu cầu (các bộ điểm chuông).
Vào năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ra đời của thương hiệu, Philippe Stern – lúc đó là giám đốc công ty – đã đánh dấu sự hồi sinh ấn tượng của chiếc đồng hồ điểm chuông đeo tay bằng cách giới thiệu bộ máy tự động nổi tiếng R 27, bộ chuyển động đầu tiên được thiết kế và chế tạo hoàn toàn bởi Patek Philippe. Kể từ đó, những chiếc đồng hồ sở hữu cơ chế điểm chuông theo phút đã luôn giữ vị trí quan trọng trong bộ sưu tập của Patek Philippe; trên thực tế, chúng đang tạo thành bộ sưu tập đồng hồ điểm chuông theo phút lớn nhất được sản xuất đều đặn. Có không ít hơn một chục mã tham chiếu sở hữu cơ chế siêu phức tạp này, đơn độc hoặc kết hợp với các tính năng khác (grande/ petite sonnerie, tourbillon, lịch vạn niên, bấm giờ thể thao, giờ thế giới…)
Tỏ lòng tri ân đến hành trình 85 năm vững vàng đam mê chế tác đồng hồ
Để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của Philippe Stern, Thierry Stern (thế hệ thứ tư của gia đình Stern, được bổ nhiệm làm Chủ tịch vào năm 2009) đã quyết định tôn vinh cha mình bằng cách tạo ra một phiên bản 30 chiếc đồng hồ đặc biệt, sở hữu một bộ máy hoàn toàn mới được phát triển riêng cho thiết kế này và sẽ không bao giờ được sử dụng lại.
Chiếc đồng hồ được đánh mã tham thiếu 1938, theo năm sinh của ngài Chủ tịch danh dự. Sự lựa chọn dĩ nhiên được tập trung vào cơ chế điểm chuông theo phút, cơ chế phức tạp yêu thích của Philippe Stern, kết hợp với chức năng âm thanh độc đáo: âm báo điểm vào thời gian được lập trình. Cơ chế phức tạp này là một trong năm tính năng âm thanh, và là một trong hai sáng chế độc quyền được đăng ký toàn cầu ra mắt vào năm 2014 cho chiếc Grandmaster Chime Ref. 5175 nhân dịp kỷ niệm 175 năm thương hiệu, chiếc đồng hồ đeo tay Patek Philippe phức tạp nhất (20 cơ chế phức tạp), trang bị bộ máy lên cót thủ công 300 “GS AL 36- 750 QIS FUS IRM”.
Gia nhập bộ sưu tập thường xuyên vào năm 2016 với mã tham chiếu 6300, chiếc Grandmaster Chime kết hợp đồng thời cơ chế grande sonnerie, petite sonnerie, bộ điểm chuông theo phút, bộ điểm chuông báo ngày theo yêu cầu và bộ điểm chuông báo giờ theo thời gian được lập trình trước (báo thức).
Thách thức công nghệ mới
Việc tích hợp tính năng báo thức – điểm chuông vào thời gian định trước – vào bộ máy mang tính biểu tượng R 27 thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Với các kỹ sư của Patek Philippe, việc phát triển bộ máy tự động mới R AL 27 PS cũng đồng nghĩa với việc phải tái cấu trúc từ nền tảng cơ chế điểm chuông theo phút để tích hợp tính năng báo thức.
Thách thức được đặt ra là tạo ra một chiếc đồng hồ, trong đó bộ điểm chuông theo phút và cơ chế báo thức đều điểm chuông trên bộ cồng đôi cổ điển, đồng thời vẫn giữ nguyên hệ thống lẫy trượt bên trái bộ vỏ – dấu ấn thị giác đầy ấn tượng đặc trưng cho đồng hồ điểm chuông theo phút của Patek Philippe. Điều này đòi hỏi khi tác động vào lẫy trượt, bộ máy phải có khả năng hoặc ngay lập tức báo giờ đang hiển thị trên mặt đồng hồ (chế độ điểm chuông theo phút), hoặc tạm ngưng điểm chuông cho tới khi thời gian hiển thị trùng với thời gian được đặt định trước (chế độ báo thức). Ngược lại với các đồng hồ điểm chuông theo phút cổ điển – khi kích hoạt lẫy sẽ ngay lập tức khởi động cơ chế báo chuông – việc bổ sung tính năng báo thức đòi hỏi sự cần thiết của khả năng tách rời ổ cót của cơ chế điểm chuông ra khỏi phần còn lại của cơ cấu báo chuông.
Bốn bằng sáng chế mới
Những ràng buộc kỹ thuật này đã dẫn đến sự bổ sung 227 bộ phận, bao gồm một tay đòn và một bánh xe răng khế để lựa chọn chế độ đánh chuông và một thiết bị kết hợp sở hữu cơ chế chặn, giúp ngắt nguồn năng lượng (ổ cót điểm chuông) khỏi phần còn lại của cơ chế điểm chuông – một hệ thống thường được dành riêng cho những chiếc đồng hồ grande sonnerie.
Trong quá trình phát triển bộ máy R AL 27 PS, các nhà thiết kế đã đăng ký bốn bằng sáng chế mới cho các cơ cấu cho phép chuyển đổi một cách an toàn từ một chế độ điểm chuông sang chế độ khác; trì hoãn điểm chuông báo thức cho đến thời điểm phù hợp; đảm bảo trong mọi trường hợp chuỗi điểm chuông sẽ tuân theo trình tự chính xác “giờ, khắc và phút”; đảm bảo rằng trống cót dành cho cơ chế điểm chuông luôn được nạp đầy với mỗi lần kích hoạt của lẫy trượt – cho phép đồng hồ luôn có thể, nếu cần thiết, phát ra đến 31 lần đánh chuông cho báo thức (12:58). Hơn nữa, trống cót của cơ chế điểm chuông cũng được trang bị một dây đàn hồi trượt để tránh tình trạng lò xo bị căng quá mức.
Sử dụng dễ dàng thuận tiện
Cũng như đối với tất cả những chiếc đồng hồ Patek Philippe sở hữu cơ chế phức tạp, sự phức tạp của kỹ thuật luôn được kết hợp với sự thuận tiện tối đa trong sử dụng – một triết lý thiết kế đặt nhu cầu của người dùng lên hàng đầu. Một nút bấm được tích hợp vào núm vặn được sử dụng để lựa chọn chế độ điểm chuông, được thể hiện qua một cửa trập hình quả chuông ở vị trí 3 giờ.
Khi đồng hồ ở chế độ điểm chuông theo phút (chuông màu đen), người dùng có thể kích hoạt lẫy trượt bất kỳ lúc nào để nghe âm thanh của giờ, khắc và phút đã trôi qua kể từ khắc trước đó. Khi đồng hồ ở chế độ báo thức (chuông màu đỏ), lẫy trượt phải được kích hoạt một lần nữa để lên cót cho cơ chế báo thức (chuông chuyển từ đỏ sang trắng). Khi báo thức đã được kích hoạt nhưng chưa điểm chuông (chuông màu trắng), có thể quay lại chế độ điểm chuông theo phút bằng cách nhấn vào nút nhấn mà không khiến đồng hồ điểm chuông.
Báo thức 12 giờ
Cơ chế báo thức 12 giờ có thể được cài đặt theo từng khắc (phần tư giờ) thông qua việc kéo núm vặn đến nấc giữa và kim báo thức trung tâm bằng vàng hồng sẽ trỏ vào vạch chia phủ vàng hồng trên mép của mặt số. Để cho phép người dùng có thể nghe trọn vẹn tiếng chuông, cơ chế báo thức trên chiếc Ref. 1938P-001 sẽ luôn điểm chuông hai phút trước giờ được định sẵn. Do đó, nếu báo thức được đặt vào 3 giờ, thay vì điểm ba âm trầm (hoàn toàn có thể bị bỏ lỡ) chiếc đồng hồ sẽ phát ra hai âm trầm, ba cặp âm cao – thấp và mười ba âm cao, tổng cộng là 21 tiếng chuông. Một giai điệu nhạc thật sự. Hệ thống an toàn sẽ ngăn chặn bất kỳ tổn thất nào có thể xảy ra trong trường hợp người dùng xử lý không đúng – như cố gắng nạp cót cho lẫy trượt khi báo thức đã được kích hoạt, hoặc điều chỉnh thời gian trong khi đồng hồ đang điểm chuông.
Bức chân dung tiểu họa tráng men Grand Feu
Sự tri ân hướng tới Philippe Stern được tiếp tục thể hiện trên mặt số bằng vàng 18K với bức chân dung của Ngài, được thực hiện với nghệ thuật tiểu họa tráng men Grand Feu trắng và xám, với nền là men Grand Feu đen. Một bức tranh tinh xảo được thực hiện từ những đường nét li ti tinh tế – trái ngọt từ thành quả bảo tồn hình thức nghệ thuật thủ công hiếm có quý giá của chính vị chủ tịch danh dự. Cọc số kiểu Breguet được khảm cùng kim giờ và phút kiểu Breguet, cùng chất liệu vàng trắng, tương phản với sắc vàng hồng của kim báo thức và thanh vạch chia, đem lại vẻ thanh lịch cho cơ chế hiển thị thời gian.
Bộ vỏ bạch kim với nắp che bụi chạm khắc
Bộ vỏ từ chất liệu bạch kim, được đánh bóng thủ công toàn bộ, có đường kính 41mm. Với vấu thẳng và các thanh giữ dây dạng vặn, nó gợi nhớ đến một trong những tạo tác gắn liền với Philippe Stern từ năm 1989 – ra mắt vào dịp kỷ niệm 150 năm thương hiệu – giới thiệu chiếc đồng hồ sản xuất giới hạn mang mã tham chiếu 3960, một chiếc đồng hồ kiểu sĩ quan mang hình bóng của những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên xuất hiện từ đầu thế kỷ XX.
Bạch kim được chọn bởi nó là thứ kim loại quý nhất, nhưng cũng bởi nó đại diện cho thách thức lớn nhất về mặt âm thanh cho một chiếc đồng hồ điểm chuông theo phút trên con đường hướng tới đạt được âm thanh “chuẩn Patek Philippe” được yêu thích bởi người sành điệu. Giống như những chiếc Patek Philippe bằng bạch kim khác, Ref.1938P-001 có một viên kim cương được khảm ở vị trí 6 giờ của vỏ ngoài. Bộ vỏ cũng được trang bị một nắp lưng kính sapphire, được bảo vệ bởi một nắp chống bụi khắc tay dòng chữ “A mon père, 85 ans de passion horlogère” (Dành cho cha tôi, 85 năm đam mê đồng hồ).
Kính sapphire cho phép người dùng chiêm ngưỡng sự tỉ mỉ trong hoàn thiện của bộ máy tự động R AL 27 PS. Các cạnh viền của cầu và búa được mạ vàng. Roto mini bằng vàng 22K được mạ rhodium với viền vàng, khắc tay họa tiết phủ đen tái tạo lại chữ ký của Philippe Stern. Sự lịch lãm và thoải mái được tiếp tục mở rộng đến dây đeo da cá sấu màu đen bóng đi cùng khoá gập bạch kim.
Bằng sáng chế cho bộ máy R AL 27 PS
- Hệ thống kết nối chuyển động đơn hướng (Bằng sáng chế Châu Âu EP4058853A1)
Hệ thống kết nối chuyển động đơn hướng này được thiết kế để tạo kết nối giữa khung và trống cót của cơ cấu đánh chuông khi lò xo cót được kích hoạt (kích hoạt lẫy trượt). Ở chiều đi ra, phần khung sẽ cuốn cót của cơ chế điểm chuông, trong khi ở chiều ngược lại, nó ngắt kết nối từ cót – điều này ngăn lò xo cót của cơ cấu điểm chuông tự nhả ra.
- Đồng hồ tích hợp tính năng điểm chuông theo phút và báo thức, với khả năng lựa chọn hai chiều bởi người dùng (Bằng sáng chế Châu Âu EP4071560)
Hệ thống này cho phép người dùng lựa chọn giữa chế độ “điểm chuông theo phút” – trong đó đồng hồ điểm chuông báo giờ hiện hành ngay sau khi kích hoạt lẫy trượt và chế độ “báo thức” – trong đó việc điểm chuông, sau khi kích hoạt lẫy trượt, được tạm dừng cho đến khi thời gian hiển thị tương ứng với thời gian được đặt định. Lựa chọn này có thể được thay đổi theo ý muốn, và được thiết kế để không phản hồi với các lỗi thao tác.
- Đồng hồ có chức năng điểm chuông và lẫy trượt cố định chuyển động (Bằng sáng chế Châu Âu EP4071561)
Cơ cấu này đảm bảo rằng lẫy trượt cho cơ chế điểm chuông luôn di chuyển cùng một khoảng cách khi kích hoạt, bất kể chế độ điểm chuông được chọn (điểm chuông theo phút hay báo thức) và số lần điểm chuông cần thực hiện, mà không có rủi ro đứt đoạn. Điều này giúp cho người dùng luôn biết rằng cơ cấu điểm chuông có đủ cót khi lẫy trượt đi đến cuối hành trình.
- Cơ chế điểm chuông đi cùng thiết bị hãm (Bằng sáng chế Châu Âu EP4071562)
Hệ thống này dùng để đồng bộ các bộ khung trong cơ chế điểm chuông, bao gồm một tay đòn hãm được thiết kế để trì hoãn việc rơi của khung “phút” cho đến khi bộ đếm khắc di chuyển tới chạm vào “surprise-piece” (một thiết bị an toàn giúp ngăn chặn việc đếm sai ngày trước khi bắt đầu một giờ mới). Điều này đảm bảo rằng các tiếng chuông sẽ luôn diễn ra theo đúng thứ tự – giờ, khắc, phút – và do đó, đồng hồ sẽ luôn điểm đúng giờ.