Các loài dây leo ngày càng được ưa chuộng trong thiết kế nhà cửa bởi vẻ đẹp thơ mộng và lợi ích sinh thái to lớn. Thân cây rủ xuống với những bông hoa nở rộ và những tán lá xanh tươi tốt thổi sức sống vào không gian đô thị, biến công trình bê tông trông khô cứng thành những mảng xanh tơi xốp sinh động, góp phần cải thiện vấn đề quy hoạch tại các thành phố lớn.
Dây leo trong kiến trúc cổ đại
Con người đã sử dụng các loài dây leo như một yếu tố trang trí cho các công trình kiến trúc từ thời văn minh cổ đại. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những ứng dụng sớm nhất của cây leo bắt nguồn từ người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Chúng được trồng đan xen với nho trên giàn và cột để tạo ra lối đi có bóng râm hoặc không gian thư giãn cho các buổi tụ họp xã hội.
Ở Ba Tư cổ đại, dây leo đặc biệt được coi trọng trong thiết kế của các khu vườn hoàng gia, được gọi là “paradise garden” (tạm dịch: khu vườn địa đàng), phổ biến nhất là hoa hồng và hoa nhài. Người Ba Tư tin rằng dây leo có khả năng tạo nên bầu không khí sang trọng và yên bình cho những khu vườn – nơi được xem là biểu tượng của địa vị cao quý và sự giàu có. Quan niệm này cũng gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách bố trí không gian ngoài trời trên khắp Trung Đông vào thời Đế chế Mughal.
Vào thời Trung cổ, sự xuất hiện của dây leo đã trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của thiết kế châu Âu, thường được tìm thấy xung quanh các lâu đài. Chẳng hạn như cây thường xuân gắn liền với kiến trúc tường đá và tháp, làm thêm phần mềm mại cho các tòa nhà uy nghiêm và giúp cách nhiệt, giữ ẩm và điều chỉnh nhiệt độ. Tại các tu viện cũng thường có hành lang và khu vườn trồng đầy dây leo, truyền tải thông điệp về sự vĩnh cửu và khả năng phục hồi vô tận. Có thể thấy, những ứng dụng ban đầu của dây leo đã đặt nền tảng cho sự hòa nhập của thiên nhiên vào môi trường sống của con người.
Tường sống bền vững
Khái niệm “tường sống” hay “vườn thẳng đứng” xuất hiện vào những năm 1980 bởi nhà thực vật học người Pháp Patrick Blanc. Những công trình tiên phong của ông đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư hiện đại kết hợp hệ thống cây xanh vào mặt tiền thẳng đứng của các tòa nhà, cung cấp giải pháp cho các thách thức về môi trường đô thị.
Các dây leo xanh làm sạch không khí bằng cách hấp thụ carbon dioxide và các chất ô nhiễm, đồng thời giải phóng oxy. Chúng còn hỗ trợ tiết kiệm nước thông qua hệ thống tưới tiêu hiệu quả, có khả năng làm giảm dòng chảy và tích trữ nước mưa. Điều này góp phần tạo nên hệ sinh thái lành mạnh hơn ở các thành phố, nơi những bức tường tự điều chỉnh nhiệt độ bề mặt, giảm thiểu hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” và nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí. Chúng ta có thể bắt gặp các ví dụ thực tế tiêu biểu về tường xanh tại Khách sạn Parkroyal của Singapore và CaixaForum ở Madrid, Tây Ban Nha.
Ngoài lợi ích về môi trường, những khu vườn thẳng đứng còn giúp tăng cường sức khỏe tinh thần. Các nghiên cứu của nhà tâm lý học môi trường Roger Ulrich đã chứng minh việc tiếp xúc với cây xanh thường xuyên có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện khả năng sáng tạo và tăng năng suất.
Các loại dây leo phổ biến
Hầu hết các loài dây leo đều rất dễ chăm sóc, nhờ bản chất khỏe mạnh và khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường trong nhà. Điều này khiến chúng trở thành lựa chọn lý tưởng cho những cư dân thành thị bận rộn, không có nhiều thời gian chăm sóc cây cảnh.
Cây Thường xuân (Hedera helix): Thuộc loại dây leo giàn đẻ nhánh và phát triển nhanh nhất. Cành già có màu xanh thẫm, lá cây nhỏ kết hợp với những bông hoa li ti tạo nên một bức tường xanh ngắt. Cây phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng yếu đến trung bình, rất phù hợp với không gian trong nhà. Tuy nhiên, đây là loài tương đối háo nước nên bạn cần đảm bảo rằng phần đất trồng luôn ẩm và thỉnh thoảng phun sương lên lá.
Cây Dây nhện (Spider plant): Đặc điểm nhận dạng nổi bật nhất của cây Dây nhện là lá dài, có sọc trắng và xanh xen kẽ. Nếu được sống trong điều kiện đất tốt, khô ráo, đủ nước và chất dinh dưỡng, các nhánh con sẽ mọc lên từ thân cây mẹ, phát triển thành cụm, mọc tỏa ra gần giống với con nhện. Theo nhiều nghiên cứu, loài cây này có khả năng hấp thụ khí CO2 mạnh vào ban đêm (ngược lại với quá trình hô hấp của các loài cây thông thường). Vì thế, chúng được khuyến khích trồng trên giàn hoặc chậu tại hành lang gần phòng ngủ để mang đến giấc ngủ ngon và sâu hơn cho con người.
Cây Trầu bà (Epipremnum aureum): Bao gồm trầu bà lá tim có khả năng thích nghi và sinh trưởng tốt với các điều kiện trong nhà. Cây trưởng thành có thể đạt đến độ dài từ 20-50cm, hoàn toàn có thể phủ kín giàn treo và rủ xuống giá. Hiện nay, nhiều người chọn cách trồng thủy sinh đối với loài dây leo này bởi chúng yêu cầu độ ẩm cao trong giai đoạn bám rễ. Tuy nhiên, bạn sẽ cần thay nước đều đặn theo chu kỳ nửa tháng một lần để đảm bảo độ sạch của nước cũng như hạn chế khả năng phát triển của các loài côn trùng gây hại.
Ảnh: Rewild