Chủ nghĩa thô mộc: Sự tái xuất và đột phá trong thiết kế nội thất
Được đánh dấu bằng một bảng màu rõ ràng, thiên về vật liệu, trường phái thẩm mỹ này được cho là một trong những phong cách kiến trúc gây chia rẽ nhất và là nguồn xung đột lâu dài trong thế giới thiết kế. Một số người ca ngợi ngôn ngữ hiện đại và các hình thức thử nghiệm của nó, trong khi số khác lại nhìn thấy vẻ nặng nề trong phong cách này.
Gần đây, phong cách này đã tái xuất với một bước ngoặt mới. Không còn dành riêng cho các không gian dân sự và tổ chức, chủ nghĩa thô mộc đã trở thành một sân chơi phổ biến cho nhiều người, từ các thương hiệu sản xuất đồ nội thất cho đến các nhà thiết kế nội thất.
Những phom dáng kiểu hình khối và hình học cồng kềnh đang xuất hiện trong các dự án nhà ở và thương mại, nhưng các nhà thiết kế đang làm dịu đi vẻ tổng thể bằng các kết cấu tự nhiên và vật liệu trang nhã.
Chủ nghĩa thô mộc nổi lên ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai và trở nên hưng thịnh vào những năm 1960, thậm chí tiếp tục phát triển suốt những năm 1980. Phong cách này đã trở thành dấu ấn trong nửa sau sự nghiệp của kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ Le Corbusier với dự án nổi tiếng nhất là Unité d'Habitation - khu phức hợp căn hộ ở Marseille. Các dự án nổi tiếng khác theo trường phái này là Barbican ở London, Habitat 67 ở Montreal và Thư viện Geisel ở phân nhánh San Diego của trường Đại học California.
Sự kết hợp tối giản và quyến rũ
Các nhà thiết kế giờ đây đang diễn giải lại các nguyên lý của phong cách thô mộc vốn mang hình thức điêu khắc đơn giản, thiếu trang trí hay chi tiết kiến trúc bằng một vẻ hấp dẫn hơn. Sau hơn một thập kỷ sử dụng màu trắng sáng và tông màu bánh ngọt, chủ nghĩa thô mộc mới đang mang lại cảm giác về sự quyến rũ tối giản.
Đồ nội thất hình học theo phong cách này được bọc bằng vật liệu bao gồm vải mohair, vải lanh, và nhung (chẳng hạn như bộ sưu tập Vitamin do Pietro Franceschini thiết kế cho Monde Singulier hoặc Ghế H của Estudio Persona), hoặc được thực hiện với các lớp hoàn thiện tinh tế, chẳng hạn như nhôm bóng trong mẫu đèn Vesper của Lee Broom. Cũng có thể kể đến dự án 10AM Lofts của Trotter với lớp bê tông tòa nhà từ những năm 1960, đồ nội thất bằng gỗ và sơn trắng để tạo nên vẻ ngoài cân bằng giữa sự mềm mại của Scandinavia với màu xanh của tầng hầm.