Vnluxury

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế
Trong khi nhiều thương hiệu trong lĩnh vực xa xỉ cho rằng nhu cầu đang giảm dần, thì có một nghịch lý là các bộ sưu tập thời trang cao cấp Haute Couture đang ngày càng tăng lên. Có lẽ, đã đến thời kỳ hoàng kim của thời trang cao cấp?

Nếu như Ready-to-Wear là dòng trang phục thường ngày, bắt trend và có tính định hướng, thì Haute Couture là khái niệm về các thiết kế cực kỳ cao cấp, được may đo riêng với tay nghề thủ công cao và chỉ dành cho giới thượng lưu trong các sự kiện quan trọng. Trước đây, nguồn thu chính cho các thương hiệu vẫn đến từ hai show diễn Ready-to-Wear và nhiều mùa khác (Pre Spring, Pre Fall). Không mang đến con số doanh thu hiện hữu, những show diễn Haute Couture đa số hướng tới mục đích xây dựng bề dày thương hiệu, khẳng định vị trí cá nhân trong làng thời trang.

Ngành thời trang Haute Couture nhộn nhịp bất chấp sự thiếu ổn định của kinh tế

Nhưng giờ đây, trong khi rất nhiều các thương hiệu xa xỉ giảm mức tăng trưởng của dòng Ready-to-Wear do nhu cầu biến động trong sáu tháng qua, thì tuần lễ thời trang Haute Couture mới nhất lại nhộn nhịp và có quy mô lớn, bất chấp sự thiếu ổn định của kinh tế vĩ mô. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, cho biết tại hội nghị báo cáo tài chính của tập đoàn: “Haute Couture là một thị trường nhỏ, nhưng lại đang tăng trưởng mạnh. Vì ngày nay, những sản phẩm cao cấp nhất lại có nhu cầu cao nhất trên toàn thế giới”.

“Tại Dior Couture, chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng vì phải mất rất nhiều công sức để đào tạo thợ may và may những chiếc váy Haute Couture. Công suất xưởng của chúng tôi có hạn nên buộc phải hạn chế đơn hàng”, ông Arnault nói thêm. Tổng biên tập Hélène Guillaume của tạp chí thời trang Le Figaro bổ sung “Các bộ sưu tập đều rất lớn. Ngày càng có nhiều tác phẩm đặc biệt và độc đáo. Điển hình là bộ sưu tập Privé của Giorgio Armani lên tới 92 thiết kế”.

Một số hãng, dẫn đầu là Chanel và Dior, hiện đã biến thời trang Haute Couture thành một ngành kinh doanh phát đạt. “Phần thị trường này đang ở trạng thái tăng trưởng tốt, khi những khách hàng siêu giàu chi tiêu nhiều nhất vẫn tiếp tục vung tiền. Trên thực tế, nhiều thương hiệu đã công bố kế hoạch đổi mới cho thời trang Haute Couture,” nhà phân tích Luca Solca của Bernstein cho biết. Ông ước tính doanh số bán hàng thời trang Haute Couture sẽ tăng 10% trong năm nay.

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế
Những thiết kế Haute Couture mới nhất của Chanel và Jean Paul Gaultier.

Theo tờ Vogue Business, giá trị của thời trang Haute Couture một phần nằm ở hiệu ứng “trong mơ” của nó. Dòng sản phẩm này tinh tế đến mức chỉ một số ít thương hiệu được Fédération de la Haute Couture et de la Mode (Liên đoàn Thời trang cao cấp và Thời trang) cấp quyền thành viên mỗi năm. Điều này tạo nên một số cảnh tượng hoành tráng nhất trên sàn diễn trong mỗi mùa. Bên cạnh sàn diễn và hàng ghế đầu toàn sao, tuần lễ thời trang cao cấp còn là cơ hội tôn vinh chất thơ của thời trang, may mặc. Mỗi bộ trang phục được sản xuất thủ công thường mất hàng chục giờ làm việc để hoàn thiện.

Haute Couture định vị và chi phối ngành thời trang ra sao?

Ngoài ra, tưởng chừng chỉ là cuộc chơi phô bày cá tính cách ngạo nghễ, “chặt chém” của những cái đầu sáng tạo, nhưng thực chất, chức năng đầu tiên và tối quan trọng của dòng trang phục này là định hướng thẩm mỹ cho Ready- to-Wear theo cả một mùa, thậm chí cả giai đoạn. Ngay sau mỗi đêm diễn, các nhà phân tích xu hướng sẽ tìm tòi, bóc tách và chuyển thể tất cả thành những gì dễ dàng ứng dụng, các nghệ nhân tìm cho mình hướng xử lý vải vóc, chất liệu mới… Haute Couture định vị và chi phối, đồng thời là đầu tàu đi trước, dù ít hay nhiều, thúc đẩy sự sáng tạo.

Quảng cáo

Mùa này, 30 nhà mốt có tên trên lịch trình chính thức, bao gồm những tên tuổi lớn như Dior, Chanel, Valentino và Schiaparelli… Ngoài ra còn có sự trở lại của Maison Margiela và Robert Wun, cùng sự xuất hiện của khách mời mới Peet Dullaert. Những người nổi tiếng đã đổ xô đến xem các buổi biểu diễn kéo dài từ thứ Hai đến thứ Năm, bao gồm Zendaya, Jennifer Lopez, Rihanna, Natalie Portman, Glenn Close, Juliette Binoche, Reese Witherspoon và Naomi Campbell…

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế
Những thiết kế của Schiaparelli trong hậu trường Paris Haute Couture Week mùa Xuân - Hè 2024.

"Mở bát" cho Paris Haute Couture Week mùa Xuân - Hè 2024, Schiaparelli đã không để người hâm mộ phải thất vọng với show diễn của mình. Trước buổi biểu diễn, giám đốc sáng tạo Pieter Mulier của Alaïa đã gửi một lời nhắn cho khách mời kèm theo lời giải thích về những gì họ sắp thấy trong bộ sưu tập mới. "Bộ sưu tập này hướng đến sự đơn giản và tinh khiết, ít ý nghĩa hơn,” ông viết và nêu chi tiết rằng tất cả các loại vải được sử dụng đều được phát triển từ len merino.

Một trong những buổi trình diễn được mong đợi nhất mùa Xuân Hè 2024 là sự hợp tác của nhà thiết kế Simone Rocha với thương hiệu Jean Paul Gaultier. Bộ sưu tập được thiết kế dựa trên 3 quy tắc chính của Gaultier (hình xăm, áo nịt ngực và thủy thủ) kết hợp với nét nữ tính u sầu, giản dị vốn là cốt lõi trong thương hiệu đặc trưng của Rocha. Sàn diễn trình bày 36 thiết kế, khán giả được chứng kiến cách Rocha thể hiện bản thân mình, hoà mình vào tinh thần của Jean Paul Gaultier nhưng không hoà tan với góc nhìn đầy chính kiến và kiên định với vẻ nữ tính thuần khiết không gò bó bởi bất cứ thứ gì.

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế
Paris Haute Couture Week 

Tiếp nối những tên tuổi lớn như Chanel, Valentino, Elie Saab, Jean Paul Gaultier… nhà mốt Fendi cũng góp mặt với bộ sưu tập mới nhất của mình được trình diễn tại Palais Brongniart. Kim Jones đã khám phá sự tương phản giữa đơn giản và phức tạp. Bộ sưu tập mở đầu với một loạt các kiểu dáng đơn giản, được thiết kế với màu sắc tối giản, chủ yếu là màu đen. Sau đó, BST chuyển sang những bộ cánh công phu hơn, tạo nên một loạt kiểu dáng với kim loại màu bạc ấn tượng. Chủ đề vẫn nhất quán: tránh sự phô trương và tập trung vào tính thủ công và thực tế…

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế
Các thiết kế Haute Couture năm nay của Valentino và Alaïa.

Dù vậy, các nhà phê bình vẫn ghi nhận sự thiếu đa dạng trên sàn diễn thời trang Haute Couture vừa qua. Có lẽ các nhà thiết kế cũng có một sự thích nghi tinh tế nào đó đối với tình hình kinh tế hiện tại, ở một số bộ sưu tập đó là sự đơn giản rõ ràng trong các thiết kế. Nhà phê bình thời trang Tiziana Cardini của Vogue Runway lưu ý rằng “sự thanh lịch nhẹ nhàng là phong cách chủ đạo mùa này tại Chanel, và tại Jean Paul Gaultier của Simone Rocha, Armani hay Fendi. Ngay cả Valentino cũng ưu tiên sự thoải mái, dễ chịu trong chuyển động”.

Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia trong ngành lại cho rằng việc Haute Couture không còn thiên về việc phô diễn những sáng tạo lạ lùng hay phô bày hàng trăm mét vải đẹp mắt… mà là sự tinh tế, nhẹ nhàng và mang hướng “ứng dụng” chính là đòn bẩy khiến doanh thu của dòng trang phục này tăng trưởng. Bởi khi thời thế thay đổi, khách hàng cân nhắc kỹ hơn về việc sử dụng đồng tiền thì mọi tính toán trong từng bước đi luôn là điều tối quan trọng. Haute Couture không thể chỉ là trang phục diện một lần trong đời, mà còn phải hiện diện được trong tủ quần áo hàng ngày.

Thời trang Haute Couture thách thức suy thoái kinh tế
Paris Haute Couture Week 
Nguồn nhipsongthoidai.nss.vn Copy
Vnluxury
Vnluxury
Vnluxury

Có thể bạn quan tâm