Tôi ngắm 'nước mắt xanh' đẹp siêu thực tại Đài Loan
Quần đảo Mã Tổ thu hút tôi với hiện tượng "nước mắt xanh" kỳ thú cùng khung cảnh yên bình, đẹp như điện ảnh
Cách đây hơn 5 năm, tôi tình cờ biết đến "nước mắt xanh" - hiện tượng phát quang sinh học trên đại dương được cho là xuất phát từ một loài sinh vật phù du nhỏ.
"Nước mắt xanh" thu hút du khách với những ánh sáng huỳnh quang màu xanh nhạt, chuyển động theo dòng nước, trông kỳ ảo và ma mị. Ngư dân địa phương còn gọi chúng là "nước suối lưng xanh" vì loài cá trích lưng xanh thích đến ăn những sinh vật phát sáng này.
Tôi là Quỳnh Quỳnh, hiện sống và làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc). Giữa tháng 5 vừa qua, trước khi trở về Việt Nam, tôi quyết định đến quần đảo Mã Tổ (Matsu), huyện Liên Giang, Đài Loan) để tận mắt chứng kiến "nước mắt xanh". Nơi đây vốn được biết là địa điểm dễ quan sát hiện tượng kỳ thú này với nhiều lần bắt gặp ánh sáng xanh dương huyền ảo lan rộng trên biển.
Ngắm "nước mắt xanh" đẹp siêu thực
Quần đảo Mã Tổ từng là đảo quân sự với dấu tích là những ụ súng, kho đạn dược, hầm sâu trong lòng đất... Nhưng nơi đây hiện đã mở cửa cho công chúng tham quan.
Trước chuyến đi đến đây, tôi được biết đảo Bắc Can (Beigan) thuộc Mã Tổ là nơi thường xuyên xuất hiện "nước mắt xanh". Tuy nhiên, xem hiện tượng này cũng cần "nhân phẩm" như săn mây vậy.
Hiện tượng "nước mắt xanh" được quan sát dưới nước biển vào ban đêm.
"Nước mắt xanh" chỉ thường xuất hiện vào những ngày có gió Nam mạnh, sóng biển khuấy động. Để chắc chắn, tôi mua tour để được hướng dẫn chi tiết nhất. Với 500 Đài tệ (tương đương gần 400.000 đồng), tôi có thể ngắm "nước mắt xanh" trong 40 phút.
Tôi thực sự may mắn khi trong 3 ngày liên tiếp ở Mã Tổ đều được ngắm hiện tượng này. Những sinh vật phù du phát sáng tập trung ít ở rìa đảo và tăng dần số lượng ở những vùng nước sâu.
Tuy nhiên, để chúng phát sáng mạnh mẽ, người lái thuyền thường sẽ tìm cách khuấy nước, đánh sóng bằng gậy, tạo ra sự xáo trộn trong nước. Khi đó những ngọn sóng đều biến thành màu xanh đẹp mê hồn, như một ảo ảnh trong đêm đen giữa đại dương.
Ngoài "nước mắt xanh", tôi còn được nghe giới thiệu về hiện tượng "cát sao". Đó là khi những sinh vật nhỏ này bị sóng đánh dạt vào bờ, bạn bước chân lên cát, những dấu chân sẽ xuất hiện màu xanh lam nhạt. Tuy nhiên do số lượng không nhiều và không có sự xáo trộn mạnh như trong nước biển nên ánh sáng khá mờ, chỉ có thể quan sát bằng mắt thường và khó chụp ảnh bằng thiết bị điện tử.
Ăn, chơi tại Mã Tổ như người bản địa
Tôi đã nghĩ chuyến đi của mình đến đây là thành công cho đến khi dần dần khám phá những điểm thú vị ít người biết tại quần đảo Mã Tổ. Đến chính tôi trước khi đặt chân đến đây cũng không biết quá nhiều về những ngóc ngách, điểm đến thanh bình nhưng đậm chất điện ảnh và lịch sử. Điển hình là ngôi làng Qinbi thanh bình ở thị trấn Bắc Can, từng xuất hiện trong phim Thơ Ngây phần 2.
Những ngư dân định cư ở Mã Tổ từ hàng trăm năm trước đã tập trung xây nhà dựa lưng vào núi đồi, mặt hướng ra biển đón gió. Những ngôi nhà được xây dựng bằng cách xếp chồng những khối đá granite lên nhau làm tường, đỉnh mái lợp ngói đỏ, có cửa sổ cao và nhỏ, mái nước dâng cao, tường nông hoặc kín hoàn toàn.
Ngôi làng chạy dọc theo địa hình núi, rất cổ kính và đẹp, đặc biệt trở nên thơ mộng dưới ánh hoàng hôn. Tiệm Qinwo Bakery là địa điểm lý tưởng để bạn thưởng thức cà phê, bánh ngọt trong lúc ngắm hoàng hôn.
Nếu đảo Bắc Can nổi tiếng với tour "nước mắt xanh" thì đảo Đại Khâu (Daqiu) lại nổi tiếng với tour xem hươu trong 2 tiếng với giá 300 Đài tệ, tức khoảng 240.000 đồng. Trên đảo chỉ có một hộ dân duy nhất và rất nhiều hươu, bạn có thể mua một bó thức ăn để dụ hươu đến gần, dễ chụp hình hơn.
Tour ngắm hươu được nhiều du khách yêu thích khi đến đảo Đại Khâu, quần đảo Mã Tổ.
Sau khi xem hươu, tôi dành 3 tiếng để đi dạo, ngắm cảnh biển và những hòn đảo nhỏ lân cận, lắng nghe tiếng sóng biển, hít thở không khí mát mẻ, trong lành, không trộn lẫn khói bụi hay tiếng còi xe.
Sát bên sân bay Bắc Can là làng Tangci, nơi tập trung các quán ăn, vài sạp hàng buôn bán nhỏ và cũng là nơi tôi thường lui tới để ăn trưa. Bạn có thể thưởng thức đồ ăn địa phương tại 3 tiệm Gourmet local snack bar, Singer snacks và Holiday Inn, tuy nhiên giá cả có phần hơi nhỉnh so với trong đất liền.
Đặc sản của Mã Tổ là các loại rượu như rượu Quốc Yến, rượu Mã Tổ và rượu Đông Dũng. Ngoài ra nơi đây còn có đa dạng các loại hải sản, các món ăn tự nhiên bổ dưỡng từ cặn của men chết hoặc men còn sót lại dưới đáy thùng rượu, điển hình là món mì rượu cũ mà tôi đã thử, hương vị kỳ lạ nhưng không hề khó ăn.
Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đi tàu qua đảo Nam Can (Nangan) với giá vé một chiều là 160 Đài tệ, tương đương gần 130.000 đồng. Thuê xe với giá 500 Đài tệ, khoảng 400.000 đồng một ngày, tôi chạy xe một vòng trên đảo. Đường thoáng và dễ đi, gió lộng và ngắm được nhiều cảnh đẹp nên theo tôi, chạy xe trên đảo cũng là một trải nghiệm đáng thử.
Dựa vào bản đồ đi kèm theo xe thuê, tôi đã đến tham quan những địa điểm nổi tiếng trên đảo. Ấn tượng nhất với tôi có lẽ là đường hầm 88 - nơi cất rượu với những vò rượu hình dạng xưa vì chưa cần vào đến hầm, mùi rượu thơm nồng đã xộc lên mũi.
Những vò rượu với mùi hương thơm nồng, quyến rũ du khách.
Ngoài ra, tôi cũng tham quan làng Jinsha, đường hầm Beihai, tượng Nữ thần biển (Statue of Mazu), đền Thiên Hậu, đường hầm Baba và ghé chợ Jieshou Shizi để thưởng thức các món ẩm thực trên đảo, trong đó có cả ẩm thực Việt Nam như phở.
Giá cả tại Mã Tổ hơi nhỉnh hơn so với Đài Bắc, hàng quán đóng cửa sớm, thường vào khoảng 19h, nhưng các dịch vụ du lịch và sinh hoạt trên đảo vẫn đầy đủ.
Tôi chọn bay thẳng từ sân bay Tùng Sơn, TP Đài Bắc đến sân bay Bắc Can trên quần đảo với giá vé 2 chiều là 4.278 Đài tệ, tương đương khoảng 3,4 triệu đồng.
Nhiệt độ trên đảo hiện tại thường thấp hơn nhiệt độ hiển thị trên điện thoại khoảng 3-4 độ, ở ngưỡng 15-19 độ. Vì chủ quan nên tôi không chuẩn bị thêm trang phục dày, nhưng may mắn được những người tốt bụng như chủ homestay cho mượn đồ ấm.