Mộc nhĩ còn có tên gọi khác là nấm đen, nấm mèo, nấm tai thạch, tên khoa học là Auricularia auricula-judae. Loại thực phẩm này thường được bán rộng rãi ở dạng khô và trở thành nguyên liệu của các món xào, súp… trong mâm cơm Việt.
Không chỉ mang lại kết cấu giòn, ngon mộc nhĩ còn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Mỗi khẩu phần mộc nhĩ cung cấp một lượng calo thấp nhưng lại có nhiều đồng, axit pantothenic, selen và riboflavin. Ước tính, 100g mộc nhĩ thô chứa khoảng 25 calo, 7g carbohydrate, 0,5g chất đạm, 0,5mg đồng (56% giá trị dinh dưỡng hàng ngày - DV), 2mg axit pantothenic (40% DV)… Ngoài ra, nó còn có selen, riboflavin, thiamine, magie, kẽm, vitamin B6, folate…
Lợi ích sức khỏe của mộc nhĩ:
Chống lại tế bào ung thư
Chứa nhiều chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật, nghiên cứu sơ bộ đầy hứa hẹn cho thấy chiết xuất nấm mộc nhĩ khô có thể giúp chống lại sự phát triển của tế bào ung thư.
Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm do Đại học Quốc gia Kyungpook ở Hàn Quốc thực hiện cho thấy chiết xuất nấm mộc nhĩ có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào khối u ở phổi, xương và dạ dày. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá liệu nấm mộc nhĩ có tác động có lợi đến sự phát triển ung thư ở người hay không.
Giảm cholesterol trong máu
Chất Polysaccharide có trong mộc nhĩ được chứng minh có khả năng làm giảm cholesterol trong máu, mức độ triglyceride và LDL; tăng cường mức độ HDL trong máu, cũng như tỉ lệ HDL/TC và HDL/LDL.
Người cao tuổi nên bổ sung mộc nhĩ vào bữa cơm hằng ngày để giảm cholesterol trong máu, kiểm soát cân nặng, ngăn chặn bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu, ức chế tai biến, nhồi máu cơ tim. Hơn nữa, mộc nhĩ còn giúp lưu thông máu lên não, giúp duy trì trí nhớ tốt.
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Mộc nhĩ rất giàu chất xơ, giúp cải thiện trình trạng táo bón. Đặc biệt, prebiotics là loại chất xơ có trong mộc nhĩ giúp nuôi các vi khuẩn tốt trong đường ruột. Loại thực phẩm này còn có đặc tính kháng khuẩn mạnh có thể giúp xua đuổi một số chủng vi khuẩn. Do đó ăn nhiều mộc nhĩ sẽ giúp vi khuẩn đường ruột sản xuất chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
Chất keo nhầy trong mộc nhĩ có thể kết dính những tạp chất trong hệ tiêu hóa và đẩy chúng ra ngoài cơ thể, làm sạch ruột và dạ dày.
Hạ đường huyết
Hàm lượng chất xơ trong mộc nhĩ rất cao, chủ yếu là chất xơ hoà tan giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể con người. Không dừng ở đó, polysaccharide có trong mộc nhĩ cũng có có tác dụng hạ đường huyết. Vì vậy, đây là thực phẩm, chúng ta nên ăn thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Những người không nên ăn mộc nhĩ
Dẫu giàu dưỡng chất tốt cho sức khỏe người sử dụng, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được mộc nhĩ:
- Những phụ nữ mang thai không nên ăn mộc nhĩ, bởi mộc nhĩ tuy có tác dụng bồi bổ tỳ nhưng lại có cả tác dụng hoạt huyết tiêu ứ - bất lợi cho quá trình sinh trưởng và ổn định của thai nhi.
- Người tiêu hóa kém hạn chế ăn, và người đang đi ngoài phân lỏng, đầy bụng, nhiễm hàn... càng không nên ăn mộc nhĩ - bởi mộc nhĩ có tính hàn, bổ âm khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
- Trẻ nhỏ và người có cơ địa dị ứng thận trọng khi ăn mộc nhĩ. Lý do mộc nhĩ là một loại nấm (gọi là nấm mèo) có chứa thành phần nhạy cảm với ánh sáng - nhất là trong mộc nhĩ tươi. Vì vậy trẻ nhỏ và người hay bị dị ứng thận trọng khi ăn mộc nhĩ kẻo sẽ bị đau nhức, ngứa, viêm da khi tiếp xúc với ánh sáng sau khi ăn, nặng hơn có thể bị phù nề thanh quản, khó thở...
- Người bị đông máu, hoặc mới bị chảy máu (sau khi nhổ răng, chảy máu mũi, phẫu thuật...) không nên ăn mộc nhĩ, vì sẽ bị kích thích tuần hoàn máu, ức chế tiểu cầu, có hại cho người mới bị chảy máu.
- Người bị bệnh loãng máu, máu khó đông cũng không nên ăn mộc nhĩ - bởi mộc nhĩ có tác dụng ngừa hiện tượng đông máu - nhất là với người bị vừa bị bệnh xuất huyết não thì 3 tháng đầu tiên không ăn mộc nhĩ vì rất nguy hiểm.
- Người gặp chứng bệnh tiêu hóa (như đầy hơi, tiêu chảy... và cả chứng cảm lạnh) không nên ăn mộc nhĩ - bởi tính hàn trong mộc nhĩ sẽ gây lạnh bụng và làm bệnh tình trở nặng thêm. Tương tự người có cơ địa thể hàn, cảm lạnh cũng không nên ăn mộc nhĩ.