Shein nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh với các gã khổng lồ bán lẻ toàn cầu như Amazon, H&M...
Những năm gần đây, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đang dần hình thành một thế hệ thương nhân mới. Tận dụng lợi thế của Internet và lực lượng công nhân đông đảo của quốc gia, các công ty như Shein nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh với các gã khổng lồ bán lẻ toàn cầu như Amazon, H&M…
Ẩn mình giữa quận Phiên Ngưng, Quảng Châu, trung tâm cung ứng của Shein là một mê cung gồm nhiều tòa dân cư và khu nhà máy nhỏ. Ở khu công nghiệp Dexing gần đó, các bức tường và lối đi dán đầy quảng cáo tuyển dụng công nhân. Họ là điều kiện cần để đáp ứng cơn lũ đơn đặt hàng đến từ nền tảng thương mại điện tử này.
Một nhà máy đang tìm kiếm công nhân may “xuyên biên giới” hứa hẹn mức lương cho nhân viên mới là 1.000 nhân dân tệ (138 USD), tiền thưởng hàng năm 8.000 nhân dân tệ và trợ cấp tiền thuê nhà 300 nhân dân tệ. Một nhà máy khác khác đang cần nguồn cung lao động “không giới hạn” lại tự hào về việc có điều hòa và “trả lương đúng hạn”.
Điều gì làm nên thành công của Shein?
Theo các biển hiệu, mỗi tòa nhà có ít nhất 7 xưởng - Shanghong Garments, Hongze Clothing, Yuejie, Hongshi Clothing và Aixi Fashion. Theo dữ liệu của chính quyền địa phương, đây chỉ là một trong hàng trăm tòa nhà tương tự trên khắp thành phố Phiên Ngưng, nơi có hơn 7.000 nhà máy sản xuất.
Shein và các đối thủ khác chính là nguồn lực chính vận hành các nhà máy nhỏ này. Mỗi ngày, những chiếc xe tải dán đầy logo Shein lại ghé qua để chất đầy những lô quần đùi, váy jeans mới may. Nhiều sản phẩm trong số này sẽ sớm đến tay người mua cách đó nửa vòng trái đất, đặt mua chỉ bằng một cú chạm trên smartphone.
“Lợi thế cốt lõi của Shein nằm ở chuỗi cung ứng linh hoạt, nhanh chóng và lượng người dùng khổng lồ”, Yao Kaifei, CEO và người sáng lập start-up thương mại điện tử BrandAI, nhận định.
Nhưng không phải lúc nào Shein cũng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác cung ứng như hiện tại.
Vào những ngày đầu thành lập, người sáng lập Xu Yangtian và người đứng đầu chuỗi cung ứng Henry Ren Xiaoqing đã dành nhiều thời gian đến thăm các nhà máy may mặc ở Quảng Châu để ký kết hợp đồng.
Liu Mingguang, cựu cố vấn chuỗi cung ứng của Shein, cho biết lúc đầu, nhiều nhà cung cấp từ chối Shein vì lượng đặt hàng ít hơn nhiều so với các nhà buôn truyền thống. Hãng cũng chỉ đặt hàng lại nếu mặt hàng được người mua ưa chuộng.
Theo chủ một nhà máy denim hợp tác với Shein, công ty này thường yêu cầu các nhà máy sản xuất khoảng 100 sản phẩm mới, trong khi các khách hàng khác đặt hàng gấp 10-20 lần.
Các đơn đặt hàng từ Shein cũng ít sinh lợi hơn, bởi quần áo được bán với giá siêu rẻ như áo thun 5 USD hay quần jean 20 USD. Bên cạnh đó, thời gian giao hàng gấp gáp của Shein còn buộc các nhà máy phải tạm dừng sản xuất cho các đối tác khác và làm thêm ngoài giờ.
Shein đã giành được lòng tin của các đối tác sản xuất nhờ giữ chữ tín và thu hút khách hàng bằng sản phẩm giá rẻ, hợp xu hướng. Ảnh: WSJ.
Nhưng dần dần, Shein đã xây dựng một mạng lưới các nhà sản xuất rộng khắp vì đã làm được điều mà nhiều đối thủ cùng ngành không làm được - luôn thanh toán đúng hạn.
Niềm tin Shein tạo dựng được giúp họ có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, người mua hàng trên toàn thế giới bị thu hút bởi lựa chọn quần áo đa dạng, giá rẻ, phù hợp với xu hướng thời trang.
Thách thức chồng thách thức trước mắt Shein
Để quản lý mạng lưới đối tác phức tạp của mình, Shein đã phát triển một hệ thống kỹ thuật số nội bộ, đồng thời yêu cầu các đối tác mới tham gia khóa đào tạo của bộ phận quản lý chuỗi cung ứng.
Thông qua trang web Geiwohuo (nghĩa là “đưa hàng cho tôi”), người bán hàng trên Shein có thể truy cập nhiều loại dữ liệu, bao gồm danh sách sản phẩm, đơn đặt hàng và quản lý hàng tồn kho.
Khi một sản phẩm bán chạy và lượng hàng tồn kho sắp hết, hệ thống sẽ tự động sắp xếp lại đơn hàng từ các nhà máy. Theo các nhà cung cấp, cách làm này cho phép Shein bổ sung hàng trong 7 ngày, nhanh hơn so với 14 ngày tại Zara.
Sự xuất hiện lên của Shein và các ứng dụng khác của Trung Quốc, như Temu của PDD, TikTok Shop của ByteDance và AliExpress của Alibaba, đã làm thay đổi ngành xuất khẩu của Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh xem thương mại điện tử xuyên biên giới là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển “con đường tơ lụa thời kỹ thuật số” để đưa hàng hóa Trung Quốc ra thế giới.
Nhưng ở nước ngoài, sự mở rộng nhanh chóng của Shein và những công ty khác đã thu hút sự chú ý của chính phủ các nước. Mỹ và EU đều đang xem xét việc áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm giá rẻ mua từ các trang trực tuyến, trong khi Indonesia đang cân nhắc mức thuế lên đến 200% đối với hàng hóa Trung Quốc để bảo vệ hãng nội địa.
Cạnh tranh từ đối thủ và quy định siết chặt của các chính phủ nước ngoài đặt Shein vào teh61 khó. Ảnh: Bloomberg.
Shein cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ. Amazon gần đây đã ra mắt một cửa hàng giá rẻ chuyên bán quần áo, đồ gia dụng… Nền tảng này cho phép người bán Trung Quốc giao hàng trực tiếp cho người mua ở Mỹ. Temu cũng thành lập một văn phòng cách văn phòng Shein ở Quảng Châu chỉ 10 phút đi bộ.
Để duy trì tính cạnh tranh, Shein đang cố gắng thu hút nhiều người bán tham gia nền tảng. Điều này giúp công ty bán nhiều loại hàng hóa hơn, từ các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc da đến đồ dùng cho thú cưng, đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi…
Một giám đốc phát triển kinh doanh của Shein cho biết nếu hãng chỉ tập trung vào các thương hiệu của riêng mình như trước đây, tốc độ tăng trưởng sẽ chững lại. Theo anh, Shein cần mở rộng danh mục hàng hóa để chiếm thị phần lớn hơn.
Theo các nhân viên, người sáng lập và CEO Xu Yangtian của Shein rất kín tiếng, đến mức mọi người trong văn phòng thường không nhận ra ông.
Miao Miao, giám đốc điều hành của Shein, từng xuất hiện tại các sự kiện của nhà cung cấp nhưng hiếm khi phát biểu công khai. Một nhân viên quản lý người bán trên Shein cho biết anh rất ngạc nhiên khi giám đốc điều hành khen ngợi mình tại một sự kiện.
Song, khi Shein đẩy mạnh kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), công ty sẽ cần cởi mở hơn về hoạt động của mình, SCMP nhận định.