Được mệnh danh là "trái tim của Tứ Xuyên", thủ phủ Thành Đô (Chengdu) tọa lạc tại vùng thổ nhưỡng phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Sở hữu vị trí đắc địa, nơi đây hội tụ nhiều ngành kinh tế cùng các mối giao thương lớn từ nhiều quốc gia.
Không chỉ diễn ra các hoạt động mua bán, nơi đây còn phát triển mạnh mẽ về du lịch. Du khách đến đây không chỉ bởi các thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, những giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời, mà còn vì viện nghiên cứu gấu trúc danh tiếng và "thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu.
Thăm "quốc bảo" Trung Quốc tại khu bảo tồn gấu trúc Thành Đô
Gấu trúc – "quốc bảo" của Trung Quốc – với nhiều đặc tính dễ thương khiến nhiều du khách tìm đến đất nước tỷ dân này du lịch. Đặc biệt, Thành Đô càng được ưa chuộng khi nơi đây có khu bảo tồn gấu trúc lớn nhất Trung Quốc với hơn 30% loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ghé Thành Đô thời gian này, bạn có cơ hội ngắm nhìn những chú gấu trúc đáng yêu giữa không gian trong lành, rợp bóng tre và cây xanh của Cơ sở nhân giống và nghiên cứu gấu trúc Thành Đô. Phần lớn tre trúc tại đây được trồng làm thức ăn cho gấu trúc, cũng như tạo dựng môi trường gần giống tự nhiên nhất để chúng làm quen trước khi được thả về cuộc sống hoang dã.
Hơn 250 cá thể gấu trúc tại đây được chăm sóc kỹ lưỡng và chuyên nghiệp bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, đảm bảo sự trưởng thành và phát triển tốt nhất. Những chú gấu trúc được sống trong không gian với đủ núi, sông, rừng trúc, bãi cỏ,… giống hệ môi trường tự nhiên bên ngoài, được kiểm tra sức khỏe mỗi ngày. Khi đến tham quan, du khách nên chọn khung giờ 9-10h sáng để có thể dễ dàng gặp gấu trúc lúc chúng đang ăn và nằm đang phơi nắng.
Lạc bước nơi "thiên đường hạ giới" Cửu Trại Câu
Từ Thành Đô, du khách có thể đến nơi cảnh sắc được ví như chốn bồng lai tại Cửu Trại Câu. Nằm về phía bắc Thành Đô, Cửu Trại Câu được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 1992 và trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997.
Khu danh thắng này sở hữu 9 ngôi làng, 108 hồ nước trên núi cao, 2.000 chủng loại thực vật cùng nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng và quý hiếm. Mùa xuân ở Cửu Trại Câu rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, khi trăm hoa đua nhau khoe sắc, Cửu Trại Câu càng thêm lộng lẫy khi được phủ kín bởi những cánh hoa rừng bung nở. Phản chiếu qua mặt nước xanh như ngọc, những cánh đào hồng thắm nhuộm lên sắc màu rực rỡ, trữ tình cho cả không gian. Chốn thiên đường này khiến mọi du khách đi từ xúc cảm ngỡ ngàng, trầm trồ đến thán phục trước vẻ đẹp thơ mộng hiếm nơi nào có được.
Sự tươi mới của Cửu Trại Câu vào xuân không chỉ đến từ thiên nhiên, mà còn ở chuỗi lễ hội truyền thống đặc sắc. Đầu năm, người dân Tây Tạng thường tụ tập, mặc quần áo đẹp để ăn mừng, nhảy múa và thưởng thức các chương trình biểu diễn truyền thống.