Ngắm tuyến đường sắt được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc triển khai đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng. Các đơn vị, địa phương đã thống nhất một số phương án, giải pháp triển khai nhằm sớm đưa đoàn tàu du lịch vào khai thác dịp 26/3.
Việc triển khai đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về phong cảnh núi non, bờ biển.
Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Đoạn đường sắt Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng đi qua phía bắc đèo Hải Vân, một bên là núi non hùng vĩ, một bên biển trong xanh.
Với việc đoàn tàu di chuyển tốc độ chậm khi đi qua đèo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho dải đất này.
Đoạn qua Lăng Cô - đèo Hải Vân
Nhiều người từng trải nghiệm trên cung đường sắt này cho rằng, đoạn qua Lăng Cô - đèo Hải Vân chính là cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam. Tuyến đường một bên dựa vào núi cao sừng sững, một bên hướng ra biển sâu thẳm, tạo nên cảnh sắc độc đáo.
Đoạn đường sắt Huế - Đà Nẵng gồm 12 ga
Đoạn đường sắt Huế - Đà Nẵng gồm 12 ga với chiều dài 102km; trong đó có 3 ga nằm trên khu vực đèo dốc, xa khu dân cư và 9 ga có thể đón khách là Huế, Hương Thủy, Truồi, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô, Kim Liên, Thanh Khê và Đà Nẵng.
Thời gian chạy tàu khu đoạn Huế - Đà Nẵng khoảng 3,5-4 giờ so với thời gian di chuyển đường bộ khoảng 2 giờ.
Cung đường sắt vượt đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng
Trên hành trình bằng tàu hỏa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng và ngược lại, hành khách sẽ được đi qua rất nhiều địa danh nổi tiếng, nhất là đèo Hải Vân. Việc xây dựng tuyến đường sắt này được xem là kỳ tích bởi địa thế, địa hình đèo Hải Vân vô cùng hiểm trở.
Cung đường sắt vượt đèo Hải Vân nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng có chiều dài tương đương đường bộ, qua các ga Kim Liên, Hải Vân Nam (Đà Nẵng), Hải Vân (nằm giữa đèo), Hải Vân Bắc, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).
Đường sắt qua đèo Hải Vân quanh co theo sườn núi, có 6 hầm chui và 18 cây cầu, trong đó hầm ngắn nhất là 85m, hầm dài nhất là 600m.
Trên hành trình bằng tàu hỏa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, hành khách không chỉ được ngắm nhìn biển mà còn được chiêm ngưỡng những thảm thực vật xanh mướt.
Ra hết đèo bắc Hải Vân, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn bộ Vịnh Lăng Cô
Khi chuẩn bị ra hết đèo bắc Hải Vân, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn bộ Vịnh Lăng Cô - Vịnh đẹp nhất thế giới. Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5km, cách thành phố Huế hơn 60km và cách Đà Nẵng 20km, là vịnh biển gần như nguyên sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân, với bãi tắm phẳng lì, nước trong xanh, hệ sinh thái đa dạng.
Nhìn ra xa là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An trải rộng. Đây là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, được Vua Khải Định xem là chốn bồng lai tiên cảnh.
Khi đến ga Lăng Cô, du khách có thể xuống tàu để đi tham quan.
Khi đến ga Lăng Cô, du khách có thể xuống tàu để đi tham quan, khám phá các khu du lịch nổi tiếng, như: Hói Dừa, Hói Mít, đầm Lập An, bãi biển Lăng Cô cũng như thưởng thức các món hải sản tươi ngon do chính ngư dân nơi đây nuôi trồng, đánh bắt được.
Một trong những món hải sản nổi tiếng của Lăng Cô là hàu tươi. Nghề nuôi hàu ở đầm Lập An được người dân Lăng Cô duy trì từ hàng chục năm nay. Hiện nay, khu vực đầm Lập An là vựa hàu lớn nhất của vùng Vịnh Lăng Cô.
Du khách chụp hình lưu niệm
Từ Lăng Cô đến thành Huế, du khách sẽ còn đi qua nhiều địa danh nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên của dãy Bạch Mã hùng vĩ thường xuyên có mây phủ kín, đầm cầu Hai nước xanh biếc, đi quá xứ Truồi "mít ngọt thơm dâu".
Phía Nam của đèo Hải Vân, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua làng Vân.
Ở đầu phía Nam của đèo Hải Vân, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua làng Vân, một ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 30km với tầm 1 giờ di chuyển.
Ngôi làng nằm tựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra vịnh Nam Chơn. Đây cũng là một điểm đến của các bạn trẻ đam mê trải nghiệm những năm gần đây.
Làng Vân nằm tựa lưng vào vách núi.
Làng Vân còn có tên là làng Cùi, làng Phong bởi trước đây là nơi trú ngụ của một bộ phận người mắc bệnh phong. Làng Vân bây giờ đã hết bệnh, người dân được chuyển vào sinh sống hòa nhập với dân cư, thuộc tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.