Stylist Chi Lemon: Nếu sợ điều gì thì hãy làm điều đó 100 lần!
Chi Lemon - Chuyên gia thời trang cá nhân đẳng cấp từ Việt Nam tạo ấn tượng mạnh mẽ trên thế giới thời trang
Nếu bạn có tìm kiếm Chi Lemon trên các kênh social media như Facebook/ Instagram… chắc hẳn bạn cũng sẽ không có quá nhiều ấn tượng rằng Chi là một stylist lớn. Chí ít, bạn sẽ không thấy các bài đăng "job to job nhỏ" tràn lan trên các kênh của Chi mà chỉ thấy những khung hình cá nhân tuyệt đẹp Chi chụp cùng các nhà mốt xa xỉ như Chanel hay Hermes… Cái tên Chi Lemon dường như được công chúng yêu thời trang biết đến rộng rãi bắt đầu từ lúc làm stylist cho Khánh Linh (Cô Em Trendy).
Thế nhưng, hành trình gắn bó với nhung lụa của cô gái tuổi Rồng này bắt đầu từ trước đó rất lâu: khởi điểm là một graphic designer rồi trở thành stylist chính thức của tạp chí Đẹp giai đoạn những năm 2010s về trước.
Bấy lâu nay, Chi Lemon vốn là một cái tên stylist được biết đến nhiều trên thị trường thời trang cao cấp tại Việt Nam. Thế nhưng có vẻ Chi Lemon có thể làm được nhiều hơn thế chứ không chỉ gói gọn vào công việc styling. Vậy nếu tự giới thiệu về bản thân, Chi Lemon sẽ nói gì?
- Mình là Chi Lemon – một chuyên gia mảng thời trang cao cấp cho celebrity với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang. Mình đã từng làm cho tạp chí Đẹp, ELLE Vietnam, Forbes Vietnam, Wallpaper* (tạp chí hàng đầu thế giới về kiến trúc/ đồ hoạ/ nghệ thuật & thời trang đương đại); làm styling in-house cho các sự kiện của Louis Vuitton, Dior; tham gia thực hiện các chiến dịch của các tập đoàn lớn (blue chip brands) như Marina Bay Sands, TWG, Takashimaya, Techcombank, UOB Singapore, Samsung, LG… Các khách hàng celebrity của mình gồm có: Cô Em Trendy, Amee, Min, Shark Minh Beta… Công việc này đã mang tới cho mình trải nghiệm & cơ hội gặp nhiều người hay ho, đi đến nhiều nơi thú vị & đẹp đẽ trên khắp Việt Nam này.
Cơ duyên nào đã đưa Chi Lemon đến với công việc stylist hiện tại?
- Khi mình tốt nghiệp lớp 12, bố mẹ đã có ý hướng mình học luật quốc tế hoặc luật bản quyền vì cho rằng về sau này Việt Nam sẽ rất cần những cái đó. Nhưng từ khi ấy, mình đã luôn cảm thấy được thôi thúc học thời trang. Mình muốn làm việc trong một tờ báo thời trang, chạm tay vào những sản phẩm đẹp đẽ, tinh xảo nhất (có thể là mình xem phim chick-flick quá nhiều chăng?). Nên mình nằng nặc từ chối và bảo với bố mẹ rằng bodytype của con không hợp mặc suit đâu!
Sau khi trải qua quá trình học (chuyên ngành graphic design & fashion communication) ở Milan, London và Singapore; mình về Việt Nam và làm việc tại tạp chí Đẹp. Công việc đó là senior designer – dàn trang các bài trên tạp chí in. Tuy rằng vị trí designer không yêu cầu mình phải đi chụp hình, nhưng mình luôn muốn đi cùng mọi người. Tới lúc bạn stylist khi ấy nghỉ, mình làm luôn việc styling và công việc đó gắn với mình tới tận bây giờ. Thật lòng mà nói, hồi trước, đó là một lựa chọn mạo hiểm mà mình phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Kể cả lúc mình đi học ngành graphic design, trường mình lúc đấy không có ai người Việt Nam khác ngoài mình.
Chính vì vậy mà khi nhìn vào thị trường thời trang Việt Nam nhộn nhịp như hiện giờ, mình thấy rất vui. Rất nhiều phụ huynh đã cởi mở hơn trong việc cho con mình theo học các ngành nghệ thuật/ sáng tạo. Mình nghĩ việc theo học cách ngành kiểu như vậy sẽ giúp mình có thêm kỹ năng tay chân khéo léo, cách giải thích ý tưởng hoặc giải quyết vấn đề một cách độc đáo.
Quan niệm thông thường về nghề stylist đó chính là việc lựa chọn, phối quần phối áo. Quan niệm đó đúng hay không?
- Mình nghĩ đó là một quan niệm chưa đủ. Hiện nay công việc styling mình thích nhất ngoài thời trang ra còn có: product styling – styling để tạo ra bức hình sản phẩm bố cục chặt chẽ, hiện đại; food styling – styling đồ ăn để tạo ra bức hình ngon mắt, kích thích vị giác. Styling có thể có nhiều hạng mục khác nhau nhưng hầu như có thể tựu chung lại bằng định nghĩa rằng: Đây là cách giao tiếp với người xem bằng hình ảnh mà không cần viện tới lời nói (non verbal communication).
Với công việc styling, mình cần suy nghĩ xem người nào sẽ là người xem nội dung mà mình đang tìm cách truyền đạt, họ có phông nền văn hoá như thế nào, yêu gì thích gì… Lúc đầu mình thích chụp hình sản phẩm hơn vì công việc đó với mình như chơi đồ hàng, mình đặt đâu thì nó ở đó, cảm giác để đạt được bức hình đẹp khá dễ dàng. Nhưng về sau, khi bắt đầu chụp hình thời trang nhiều, mình lại nhận ra đó lại là một quá trình sáng tạo đầy thách thức và tràn ngập cảm hứng. Cũng vì vậy mà khi nhìn thấy thành quả của mình trên tạp chí, billboard, TV … mình cảm thấy đặc biệt và xứng đáng vô cùng; bao mệt mỏi, khổ sở tan biến.
Để nói về phong cách của mình, Chi sẽ diễn tả như thế nào? Trong quá trình làm styling cho mọi người, Chi làm thế nào để cân bằng giữa phong cách của chính mình và yêu cầu của khách hàng?
- Phong cách của mình đơn giản là "luxe elegant" thôi. Trong quá trình làm việc, mình nghĩ rằng stylist chính là người đàm phán giữa các bên như nhãn hàng, nhà thiết kế, art director… để tất cả các mục tiêu đưa ra đều được hoàn thiện một cách tốt nhất. Chuyện tranh luận giữa các bên trong quá trình làm việc là chuyện hết sức bình thường: đó có thể bắt nguồn từ việc có ý tưởng mới hoặc là khách hàng đang nói dựa trên quan điểm của tổ chức, thương hiệu của họ…
Mình nghĩ điều quan trọng đó là bản thân stylist cần luôn giữ bình tĩnh & không bao giờ cho rằng người đối diện đang đưa ra ý kiến công kích cá nhân. Bên cạnh đó, việc phải tìm tòi nghiên cứu cũng là một phần quyết định trong quá trình sáng tạo của mình. Chẳng hạn: Mình không muốn cho ra một bức hình đánh cờ mà trên bàn cờ lại xếp bừa bãi không theo đúng luật. Chính nhờ sự kỹ lưỡng, tỉ mẩn trong quá trình kể chuyện bằng hình ảnh như vậy sẽ giúp mọi người (trong đó có cả khách hàng) có thể tin vào cái thế giới mà mình đưa ra.
Thời điểm bắt đầu làm stylist, Chi có gặp những khó khăn/ trở ngại nào đáng nhớ không? Chi có thể chia sẻ cùng độc giả B&F Studio không?
- Là một người hướng nội, mình rất sợ phải gọi điện, nhắn tin cho các nhà thiết kế, các bên nhà cung cấp để mượn đồ của họ. Nhưng cái gì làm nhiều cũng sẽ thành quen thôi. Giờ mình vẫn sợ (và ngại) nhưng những việc như vậy không còn kinh khủng như xưa nữa. Mình tin là chúng ta ai cũng phải đối mặt với nỗi sợ thôi. Sợ cái gì thì làm nó 100 lần đi rồi sẽ thấy bình thường. Còn bản chất ngành production thì luôn khổ rồi: thức khuya/ dậy sớm/ đi xa. Mình coi đó là những cơ hội để được trải nghiệm.
Một job styling khiến Chi nhớ nhất? Tại sao?
- Có nhiều điều đáng nhớ lắm: Ví dụ lúc mình cùng bê với nhiếp ảnh gia Tuấn Ti một chiếc váy 20kg màu trắng của anh Lê Thanh Hoà men ruộng bậc thang trơn tuột. Lúc đó mà trượt chân một cái thì bên nào cũng đầy nước và bùn, hỏng mất chiếc đầm…
Hoặc lần quay phim Gái Già Lắm Chiêu III, bọn mình có riêng 1 tuần đầu toàn quay đại cảnh tiệc tùng. 2 anh đạo diễn Bảo Nhân & Nam Cito kêu nếu qua được tuần này khó thì về sau cái gì cũng dễ. Mình ở trong team của Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ đã dựng không biết bao nhiêu bối cảnh tiệc. Cái nào cũng xa hoa lộng lẫy, xếp ra gói vào hàng trăm bình/ choé xa xỉ. Xong rồi cinematographer bảo muốn chuyển cả cái tủ và đống bình ra góc khác thì chúng mình lại phải dỡ xuống, xếp lại từ đầu! Nhưng cái đó cũng chưa khó bằng việc mình phải thay Khánh Linh (Cô Em Trendy) đóng một cảnh cùng MC Thanh Thanh Huyền trong phim. Mình thà xếp 2 cái tủ 100 bình còn dễ hơn đóng phim. Cuối cùng, mình có nhiều cảnh cận mặt trong phim còn hơn cả Khánh Linh. Và đến giờ mình cũng không dám xem lại phim.
Theo Chi, nghề nghiệp stylist có phải là một lựa chọn nghề nghiệp tiềm năng mở ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ hiện nay không? Theo quan điểm của Chi, thế nào là một stylist giỏi?
- Mình nghĩ styling/ art direction là một lựa chọn rất hay trong thời điểm bây giờ khi social media & việc có thương hiệu quan nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Không một thương hiệu nào hiện nay mà không cần tới hình ảnh, video… Nếu bạn có thể tạo ra một bức hình đẹp, giao tiếp hiệu quả, teamwork tốt thì về sau bạn có thể làm gì cũng được mà.
Đối với mình, một stylist giỏi ngoài việc có gu thẩm mỹ tốt thì cần phải thông hiểu về "visualization" (bộ đồ này mặc lên người sẽ như thế nào; đặt vào bối cảnh đó thì sẽ ra sao…); chất liệu, phom dáng; văn hoá, lịch sử (thời trang thập niên 60 sẽ ra sao; áo dài thời kỳ đầu trông như thế nào?); hiểu về ngành quảng cáo hoặc định vị thương hiệu để biết khách hàng sẽ muốn hướng tới cái gì… Ngoài ra, stylist giỏi cũng nên có các kỹ năng quan hệ nhân sinh (interpersonal skills) tốt; biết giao tiếp đàm phán để bảo vệ ý tưởng của mình; biết thêm kĩ năng làm mẫu (modeling skill) thì càng tốt vì như vậy bạn có thể hiểu được là một thiết kế sẽ nên được trình diễn như thế nào… Tóm lại là bạn nên biết tất, không nên không biết gì cả. Be the know-it-all!
Làm nhiều như vậy rồi, Chi có thích đặc biệt một điều gì về styling không: Ví dụ thích styling cho cá nhân hơn là styling cho tạp chí?
- Thật ra thì… cái nào cũng có cái hay riêng. Tạp chí cho mình cơ hội thực hiện những bức ảnh siêu thực, fantasy. Khi styling cho cá nhân thì mình có cơ hội hiểu thêm về cá tính của một người hơn. Lúc làm cho nhãn hàng mình lại có cơ hội trải nghiệm những gì đỉnh cao nhất của thời trang xa xỉ. Tất cả những trải nghiệm đó sẽ góp phần xây dựng bồi đắp thêm cho mình gu thẩm mỹ và kinh nghiệm sống/ kinh nghiệm trong nghề. Mình hiểu bản thân mình có gu tốt nhưng điều đó không tự dưng mà có. Điều đó đến từ việc trải nghiệm mọi thứ đã đang và sẽ diễn ra trong cuộc sống của mình.