Ẩm thực Việt, từ lâu đã nổi tiếng với đông đảo bạn bè quốc tế với vị ngon tinh tế, gia vị nêm nếm đa dạng, một bữa ăn có sự kết hợp hài hòa như có thịt phải có rau, có cơm là phải có canh. Ngoài ra, khi ăn món lạnh thường phải kèm theo nước chấm nóng, món ăn phải kết hợp đa dạng các vị chua – cay – mặn – ngọt, tiêu biểu của triết lí âm dương tồn tại ngay trong đời sống thường nhật của người dân đất Việt.

Ẩm thực Bắc Bộ

Ẩm thực Việt đa dạng, phong phú mang đậm nét riêng của từng vùng miền

Nếu ẩm thực miền Nam nổi tiếng với vị ngọt đặc trưng của sự kết hợp các văn hóa ẩm thực nhiều nơi khác nhau, miền Trung với vị cay nồng vùng đất đầy nắng và gió thì ẩm thực miền Bắc lại mang phong vị thanh đạm, mang đậm những dấu ấn riêng, nổi bật cho vùng đất có nền lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.

1. Ẩm thực đậm đà hương vị nhưng không kém phần bình dị:

Ẩm thực miền Bắc là sự kết hợp hài hòa, tinh tế và khéo léo cả về cảm quan, sự phối hợp khéo léo các thành phần nguyên liệu cho món ăn. Đặc trưng trong nét ẩm thực miền Bắc là món ăn có vị vừa phải, thanh đạm, nhẹ nhàng điểm chút vị chua nhẹ cho những ngày hè nóng bức, không đậm vị cay, ngọt, béo mà thường sử dụng nước mắm loãng hoặc mắm tôm để làm gia vị, nước chấm đi kèm và đặc biệt màu sắc các món ăn rất sặc sỡ, nổi bật. Các loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn miền Bắc là chanh, dấm, sấu, tiêu, ớt, gừng, hành, tỏi, nước mắm pha loãng và mắm tôm. Những nguyên liệu ưa thích của miền Bắc là nhiều loại rau củ hay thủy sản dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến…

Ẩm thực Bắc Bộ

Bữa ăn thường nhật của người dân Bắc Bộ

Trong mỗi dịp lễ tết sự khéo léo và tinh tế càng được thể hiện rõ nét hơn thông qua hình ảnh “mâm cao cỗ đầy” tức là mỗi mâm phải đủ “bốn bát 6 đĩa” được chế biến cầu kỳ, bắt mắt và rất ngon miệng. Trong ăn uống, cách ứng xử của người miền Bắc cũng rất tinh tế và nhẹ nhàng thể hiện qua những câu tục ngữ như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Vì vậy mà khi ăn uống bao giờ người lớn tuổi và những người được tôn trọng cũng được mời ăn trước hay khi ăn nên gắp những miếng ngon nhất trước cho người khác. Người miền Bắc ưa được gắp và được mời chào vồn vã, do đó trong ăn uống cũng rất khó mời được họ ăn mà phải rất khéo léo và tế nhị.

Ẩm thực Miền Bắc rất đa dạng và phong phú, cầu kỳ trong khâu bày trí nhưng vẫn rất hấp dẫn bởi sự tươi ngon của nguyên liệu chế biến cũng như cách nêm nếm gia vị hài hòa ngon miệng. Tất cả mang đến những nét đặc trưng độc đáo cho văn hóa ẩm thực miền Bắc.

2. Những món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Bắc:

Hà Nội được xem là nơi hội tụ đầy đủ các tinh hoa của ẩm thực miền Bắc với những món ăn ngon trứ danh như phở, bún chả, bún ốc, bún thang, xôi cốm vòng, bánh cuốn Thanh trì,… cùng nhiều gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, mắm tôm, rau húng Láng.

Bánh đậu xanh - Hải Dương

Ra đời vào đầu thế kỷ XX, bánh đậu xanh đã sớm trở thành sản vật đặc trưng nhất của tỉnh Hải Dương. Bánh đậu xanh không quá cầu kỳ mà thật giản dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng hương vị nồng nàn của miền quê Bắc Bộ. Bánh ngon làm bằng bột ướt, có trộn mỡ, đường vừa phải để tạo độ ngọt thanh và phải béo ngậy, thơm mùi đậu xanh.

Ẩm thực Bắc Bộ

Bánh đậu xanh

Thưởng thức bánh đậu xanh ngon nhất là cùng với chén nước. Vị ngọt béo của bánh với vị chát, ngăn ngắt đắng của trà làm tôn lên vị ngon của bánh đậu xanh. Nhấm một miếng bánh và một ngụm trà, sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ nhàng của bánh lan toả. Hiện nay, bánh đậu xanh Hải Dương đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước và trở thành món quà đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đặt chân về vùng đất Hải Dương này.

Chả cá Lã Vọng – Hà Nội

Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số nhà 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng "Chả Cá" được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá - biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn.

Ẩm thực Bắc Bộ

Chả cá Lã Vọng

Bí quyết làm chả cá chỉ truyền lại cho người con cả họ Đoàn. Cá được sử dụng ngon nhất ở đây là cá lăng tươi vì loài cá này ít xương, có độ ngọt thịt cao và thịt rất thơm. Cá lăng sau khi được sơ chế sẽ đem ướp với gia vị rồi đem nướng trên than hoa và rán lại trong chảo dầu. Chả cá Lã Vọng mang một hương vị rất riêng không đâu có được nên nó đã trở thành món đặc sản nổi tiếng Hà Nội mà ai đến Hà Nội cũng ít nhất một lần thưởng thức.

Cá kho làng Vũ Đại – Hà Nam

Nhắc tới đặc sản Việt Nam, món ăn tinh hoa ẩm thực Việt thì không thể nào thiếu sót món cá kho Vũ Đại nổi tiếng. Xuất xứ từ làng Vũ Đại hay còn gọi là Đại Hoàng, nay là làng Nhân Hậu, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân là vùng đồng bằng chiêm trũng, sẵn ao nuôi cá, bởi vậy, cá là món ăn quen thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về của mảnh đất này. Xuất hiện từ khoảng vài chục năm về trước, người dân làng Vũ Đại (Hà Nam) đã nghĩ ra cách kho cá này để bảo quản được lâu, dùng dần trong cả tháng mà vẫn luôn đảm bảo vị đậm đà.

Ẩm thực Bắc Bộ

Cá kho làng Vũ Đại

Món cá kho được kho bằng cá trắm đen với công thức cổ truyền được kho bằng niêu đất với thời gian 16- 24 tiếng đồng hồ tạo nên một món cá kho thịt chắc, dưới niêu cá là một lớp giềng giúp cá át đi mùi tanh và tránh cá bị cháy khi kho trong nhiều giờ. Cá kho ngon đúng điệu khi khúc cá có màu nâu sậm, thịt mềm, xương tan ngay trong miệng khi ăn mà không hề bỏ đi một chút nào và ngày càng phổ biến có mặt trong bữa cơm gia đình người Việt.

Chả mực Hạ Long

Chả mực Hạ Long là một trong những món ngon nổi tiếng khắp dọc miền đất nước, món ăn đậm đà hương vị biển, rất nhiều thực khách yêu thích bởi sự dai, giòn và thơm ngon của mực nguyên chất. Phải nếm thử chả mực của Hạ Long bạn mới cảm nhận được đúng nhất hương vị tuyệt vời của món ăn này. Nguyên liệu để làm chả cũng được chọn lựa kỹ càng trước khi đem ra chế biến. Mực được chọn là những con mực mai loại to, còn tươi sống đem sơ chế sạch rồi giã bằng tay mà không hề sử dụng bất kì một loại máy móc nào. Món chả mực với vị béo ngọt và mùi thơm hấp dẫn khó ai có thể cưỡng lại được.

Ẩm thực Bắc Bộ

Chả mực Hạ Long

Cách dùng những miếng chả mực thơm ngon rất đơn giản, vừa tiện dụng lại không cầu kỳ. Với chả nóng quý khách chỉ thả vào dầu đun sôi, khi ăn thì chấm với mắm hạt tiêu hoặc tương ớt. Với những gói chả mực lạnh đóng gói, thực khách nên giã đông và chiên lại. Những miếng chả mực thơm ngon đặc biệt sẽ làm cho quý khách mãi không quên với một hương vị đặc trưng của biển nên mới có câu: “Chả mực giã tay, ngon say lòng người”.

Cốm Làng Vòng

Người xưa có câu: “Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì; Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn”. Cốm là một loại đặc sản Hà Nội và nổi tiếng nhất là cốm làng Vòng. Cốm Vòng phải là thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ nếp cái hoa vàng vừa qua kỳ đổ sữa. Khi cây lúa hoe hoe vàng, chỉ mười ngày nữa là gặt rộ là lúc người làng Vòng đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến. Muốn cốm ngon thì phải cắt lúa đúng lúc. Lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon.

Ẩm thực Bắc Bộ

Cốm Làng Vòng

Thường lúa gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó. Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo. Cốm được gói vào lá sen già ấp ủ hương hoa sen và buộc bằng những sợi rơm vàng. Để ăn cốm người ta không dùng bát mà ăn từng dúm cốm nho nhỏ đựng trong lá sen, nhai cốm phải thật chậm rãi để cảm nhận vị ngọt thơm thoang thoảng của lúa nếp non và hương sen ngan ngát.

“ Mâm ngon miền Bắc ” tại Mặn Mòi -  Từ đặc sản sông Hồng đến tinh vị núi rừng Tây Bắc