Chuyến đi kỳ diệu này đã diễn ra từ tháng 4/2018, nhưng mới đây, khi chị Tăng Nguyệt Minh chia sẻ hành trình của mình trên mạng xã hội. Câu chuyện của chị nhận được nhiều ngưỡng mộ và thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác.
6 tháng chạy bộ và chặng đua để đời
Không quá lời chút nào khi nói rằng có quá nhiều điều thú vị ở bà mẹ đơn thân này. Chị Minh, 41 tuổi, là mẹ của 2 đứa con, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Chị là người sáng lập một thương hiệu thời trang và bánh ngọt có tiếng ở TP.HCM.
Nói về cơ duyên đến với chạy bộ, chị cho biết: “Nghe có vẻ ngược ngạo nhưng tôi bắt đầu chạy bộ vì lý do không thích chạy”.
“Thông thường làm việc mình thích thì đơn giản. Làm việc mình không thích là đấu tranh giữa sự lười biếng và hình thành một thói quen tốt. Chạy chán và mệt, nhưng tôi chấp nhận nó và vượt qua”.
Là một phụ nữ cá tính và thích chinh phục những thử thách, nói là làm, chị bắt đầu tập chạy và hoàn thành marathon 42km đường núi đầu tiên trong đời ở Sapa chỉ sau 1,5 tháng tập luyện. Một tháng sau, chị chinh phục thêm giải chạy 42km ở TP.HCM.
Nhờ thành tích hiếm có này chị nhận được sự quan tâm và tài trợ của một công ty bảo hiểm cho giải marathon có chi phí lên đến 1,5 tỷ đồng ở Bắc Cực. Vượt qua hàng trăm ứng viên tới từ nhiều quốc gia với thành tích chạy bộ đáng nể, chị Minh được chọn, một phần vì là đại diện duy nhất của Việt Nam, một phần vì ban tổ chức ấn tượng với những chia sẻ về ước mơ và quan điểm sống của chị.
Tính từ khi bắt đầu tham gia môn thể thao này cho tới khi chị đặt chân lên Bắc Cực, tất cả chỉ vỏn vẹn 6 tháng. Giải chạy ở Bắc Cực cũng mới chỉ là cuộc đua thứ 4 mà chị tham gia từ khi bắt đầu.
Tuy vậy, đứng trước cơ hội “ngàn năm có một”, chị đã không ngần ngại quyết định. “Giống như hầu hết mọi người trên Trái đất này, tôi chưa từng đặt chân đến Bắc Cực. Qua màn hình tivi, tôi được nhìn thấy hải cẩu, gấu trắng, hải âu… và những tảng băng khổng lồ. Nay có được một cơ hội như vậy, thật sự là điều may mắn, đi cùng với đó là những thách thức. Mà thử thách thì thú vị chứ sao! Lo lắng là chuyện phải có, tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, quanh năm từ 30-35 độ C. Chênh lệch đến 70 độ tôi cũng chưa tưởng tưởng ra sẽ như thế nào”.
-40 độ C, cơn buồn ngủ và nỗi sợ hãi
Trước khi khởi hành, chị Minh đã tìm hiểu rất kỹ thông tin liên quan đến chạy bộ trong thời tiết lạnh, nhưng cụ thể ở Bắc Cực thì hầu như không có. Chị khá hoang mang và căng thẳng khi không biết mình có chịu lạnh được không, trang bị trang phục như vậy đã đủ chưa, sức mình có đủ bền để chạy…
Hành trình đến Bắc Cực cũng là một trải nghiệm để đời với bà mẹ 2 con. Chặng đầu tiên, chị bay từ TP.HCM qua Oslo(Na Uy). Từ Oslo, chị bay tới hòn đảo xa nhất về phía bắc Na Uy là Svalbard. “Svalbard là một đảo nhỏ, tuyết phủ quanh năm. Số ngày nắng chỉ khoảng 30-40 ngày trong 1 năm, còn lại hầu như bầu trời xám xịt hoặc tối. Rồi từ đây tôi bay tới Bắc Cực bằng chiếc máy bay khá cũ thông qua một công ty của Nga chuyên tổ chức các giải chạy khắc nghiệt nhất hành tinh”.
Khoang máy bay được gỡ bớt nhiều ghế và những đồ dùng không cần thiết để có thể tải thêm hàng. Hàng hoá chất kín cả cửa thoát hiểm. Ngồi trên máy bay, những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong đầu chị. Để vượt qua nỗi sợ hãi trong chuyến bay ấy, chị phải vừa bay vừa niệm Phật.
Khi đến Bắc Cực, chị có khoảng 10 ngày để tập luyện, thích nghi dần với việc chạy bộ trong thời tiết giá lạnh. Nhiệt độ trung bình ở đây là -40 độ C vào mùa đông và 0 độ C vào mùa hè. Thời điểm chị tham gia giải chạy là vào tháng 4 (mùa xuân) với nhiệt độ xuống tới -30 đến -40 độ C vào ban đêm.
Cuộc đua với khoảng 60-70 người tham gia bắt đầu lúc 23h, yêu cầu chạy xuyên đêm. Ban đêm ở đây trời vẫn sáng, chỉ có cơn buồn ngủ là không thay đổi. Cơn buồn ngủ len lỏi vào từng bước chân mặc dù trời vẫn sáng trưng. Gió lạnh táp vào mặt mỗi khi chị bỏ mặt nạ ra vì khó thở nhưng không dám không đeo vì sợ bỏng lạnh. Cơn đói cũng đến rất nhanh.
"Mỗi bước chạy xuống mặt băng truyền một luồng âm thanh khuếch đại, dội đến tai vì xung quanh quá yên tĩnh. Vết nứt dài trên băng gợi cho tôi một nỗi lo lắng mơ hồ. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là chạy trên băng tuyết. Nó giống như chạy trên cát và khó gấp đôi vì tuyết còn bị lún”.
Có những lúc quá mệt và buồn ngủ, chị định chợp mắt một lúc nhưng lại sợ không dậy nổi và không hoàn thành đường đua.
“Tôi tìm cách vượt qua cái lạnh, cơn buồn ngủ và mệt mỏi bằng cách nạp thêm năng lượng, uống thêm cà phê… và nhớ lại lý do tại sao mình bắt đầu. Tôi muốn tới đây để chạy và tôi phải hoàn thành nó”.
Trên đường đua, chị gặp những con người đặc biệt – những nguồn cảm hứng mạnh mẽ giúp chị quyết tâm hoàn thành mục tiêu mà mình đã đặt ra. Đó là một vận động viên chạy bằng chân giả, là người đàn ông khiếm thị chạy cùng người dẫn đường. Họ là những tấm gương cho sự can đảm và ý chí tuyệt vời để chị tự nhủ với bản thân rằng “không có lý do gì cho phép mình bỏ cuộc”.
"Tất cả đều bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhất"
Nói về chặng đua đặc biệt này, chị Minh đúc kết lại bằng một trích dẫn của tác giả yêu thích Murakami: “Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay xở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào. Đó là những gì về cơn bão”.
Chị nói, với chạy bộ, đôi khi chị vẫn thấy chán và mệt. Nhưng chị vẫn xỏ giày và tiếp tục cất bước bởi vì chị nhận thức được rằng marathon hay bất kỳ môn thể thao nào đều cho mình một cơ thể khoẻ mạnh hơn và nhiều lợi ích khác về mặt tinh thần, xây dựng thói quen tốt. “Chính vì thế, tôi vẫn tiếp tục chạy bộ và tham gia các hoạt động thể thao như một phần của cuộc sống”.
Những nhà vệ sinh đặc biệt ở Bắc Cực
Khi được hỏi “thời trang, làm bánh và chạy bộ có gì liên quan tới nhau”, người phụ nữ U50 khẳng định “có rất nhiều điểm chung”.
“Tất cả đều bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhất. Giống như chạy bộ phải bắt đầu quãng đường từ 100m, 200m, 3km, 10km… thì làm bánh phải tích luỹ kinh nghiệm, phải học từ những cái cơ bản nhất. Thất bại cũng là một phần của quá trình, sau đó mình sửa và học từ cái sai đó.
Có những loại bánh tôi làm đến 30-40 lần mới thành công. Số lượng bơ, bột, trứng, sữa cho vào thùng rác cũng không biết bao nhiêu mà kể. Thiết kế bánh cũng bắt đầu từ những mẫu đơn giản, càng về sau càng mang tính thẩm mỹ cao, phức tạp về cấu trúc.
Và tôi nghĩ tất cả những công việc trên đời đều giống nhau. Bắt đầu sẽ là bước khó nhất, rồi từng bước tìm cách và đến gần đích hơn”.