Thời trang xa xỉ: Tương lai sẽ phụ thuộc vào AI?
Trong những năm trở lại đây, thế giới thời trang xa xỉ đã chứng kiến sự đột biến đáng chú ý trong việc áp dụng công nghệ AI. Nhiều thương hiệu nổi tiếng sử dụng các công cụ AI để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, cùng với việc sử dụng các trang web và chatbot để tương tác với khán giả.
AI và những “ông lớn” ngành thời trang cao cấp
Dior, người đi đầu trong lĩnh vực này, đã giới thiệu công cụ Dior Insider AI vào năm 2017, cung cấp dịch vụ nhắn tin cá nhân hóa thông qua các nền tảng như Facebook và Whatsapp. Các chatbot cũng được ứng dụng tinh vi hơn, có tác dụng khuyến khích khách hàng đăng ký tham gia chương trình khách hàng thân thiết, đưa ra các đề xuất phù hợp dựa trên lịch sử mua hàng và tương tác trên mạng xã hội.
LVMH là một trong những tập đoàn đầu tiên khai thác ứng dụng AI với sự hợp tác cùng Google Cloud vào năm 2021, phát triển các giải pháp AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tập đoàn Kering cũng kịp bước chân vào lĩnh vực này hai năm sau đó khi tung ra nền tảng thử nghiệm mang tên KNXT. Trọng tâm của nền tảng này là triển khai chatbot “Madeline” trong vai trò nhân viên tư vấn mua sắm thông minh. Khi sử dụng nền tảng KNXT và tương tác cùng Madeline, người dùng sẽ được đề xuất các sản phẩm phù hợp từ nhiều thương hiệu nổi tiếng của tập đoàn bao gồm Gucci, Balenciaga và Alexander McQueen.
Dù mức độ ảnh hưởng trong tương lai mà AI có thể đạt được với ngành thời trang xa xỉ vẫn còn là dấu chấm hỏi lớn, những ứng dụng hiện tại cho thấy một bức tranh tiềm năng cho ngành hàng này. Với các nhà thiết kế thời trang, AI tích cực đóng góp ở vai trò là người hỗ trợ đắc lực cho quá trình tìm kiếm cảm hứng, ý tưởng và toàn bộ các khâu thiết kế.
Một trợ thủ đắc lực
Điển hình là Jae Lim, nhà thiết kế thương hiệu Besfxxk, đã sớm tận dụng AiDLab - hệ thống hỗ trợ thiết kế AI đầu tiên trên thế giới - cho quá trình sáng tạo của mình. Nhờ có AiDLab, anh đã cùng cộng sự của mình là Bona Lim thực hiện tái cấu trúc các thiết kế thời trang kinh điển của Anh như áo khoác trench, mang đến bộ sưu tập đặc sắc tại New York Fashion Week 2022, và sau đó là Concept Korea Fashion Show Spring Summer 2023.
AiDLab - hệ thống hỗ trợ thiết kế AI đầu tiên trên thế giới
Các công cụ AI còn mang lợi ích đáng kể trong việc kiểm định chất liệu, khi trong triển lãm về công nghệ vải ITMA năm 2023, hơn 10 nhà sản xuất máy gia công vải đã công bố áp dụng các hệ thống kiểm định bằng công nghệ AI nhằm nâng cao độ chính xác trong việc đánh giá chất lượng vải. Chưa kể, AI còn có thể được ứng dụng để mang đến trải nghiệm mua hàng trực tuyến chu đáo, trực quan dành cho khách hàng.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng sử dụng các công cụ AI để nâng cao trải nghiệm của khách hàng
Mới đây, Burberry đã giới thiệu tính năng thử đồ ảo được hỗ trợ bởi AI và công nghệ mô phỏng 3D, cho phép khách có thể hình dung chính xác món thời trang khi mặc lên người sẽ như thế nào. Trong khi đó, Chanel được biết cũng đang thực hiện đầu tư rất nhiều vào việc phát triển công cụ AI nhằm mục đích cung cấp trải nghiệm dùng thử các sản phẩm làm đẹp cho khách, giúp họ lựa chọn sản phẩm phù hợp với da của mình chỉ qua một vài bước mô phỏng. Matthew Drinkwater, người đứng đầu Fashion Innovation Agency với sứ mệnh thúc đẩy tương lai ứng dụng công nghệ để đổi mới thời trang, cũng thừa nhận ảnh hưởng ngày một sâu sắc của AI vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng:
“AI sẽ khiến quá trình bán lẻ của các thương hiệu thời trang được cá nhân hoá đến mức tối đa khi trải nghiệm được tối ưu đáng kể dựa trên việc xác nhận dữ liệu chính xác, cụ thể hơn.”
Chanel được biết cũng đang thực hiện đầu tư rất nhiều vào việc phát triển công cụ AI nhằm mục đích cung cấp trải nghiệm dùng thử các sản phẩm làm đẹp cho khách
Mối lo ngại trong tương lai?
Tuy nhiên, đi kèm với những viễn cảnh tươi sáng mà AI đang phác hoạ nên, những trăn trở xoay quanh tương lai của thị trường lao động thời trang cũng được đặt lên bàn cân. Chắc chắn, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ phần nào giảm tải đi phần việc do con người đảm trách, từ đó gián tiếp loại bỏ một số vị trí công việc hiện hành trong ngành.
Ngoài ra, câu hỏi về tính nguyên bản trong sáng tạo, vai trò thực sự của con người cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Với việc sử dụng AI ngày càng phổ biến, điều này có thể dẫn đến việc hao mòn động lực và khả năng sáng tạo chân thực của con người. Liệu việc dựa vào công nghệ AI ngày một lớn có làm đánh mất đi cảm xúc trên các sản phẩm thời trang, hay dấu ấn rất riêng mà chỉ có những nghệ sĩ “con người” mới có thể truyền tải đến khách hàng “con người”?
Chắc chắn, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ phần nào giảm tải đi phần việc do con người đảm trách, từ đó gián tiếp loại bỏ một số vị trí công việc hiện hành trong ngành.
Các doanh nghiệp thời trang khi ứng dụng AI, đặc biệt ở giai đoạn sơ khai như hiện tại, sẽ phải chi một số tiền rất lớn cho việc đầu tư nghiên cứu, phát triển và áp dụng thực tế. Chi phí đầu tư này tiềm ẩn rủi ro thất bại khá cao, và nếu điều đó trở thành sự thật sẽ mang lại một khoản lỗ cực kỳ nặng nề mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể phục hồi. Ngoài ra, để khai thác tối đa hiệu quả của AI, thu thập thông tin khách hàng ở mức độ chi tiết nhất dường như là một điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Các doanh nghiệp thời trang khi ứng dụng AI, đặc biệt ở giai đoạn sơ khai như hiện tại, sẽ phải chi một số tiền rất lớn cho việc đầu tư nghiên cứu
Khi công nghệ càng tinh vi, quá trình thu thập này sẽ diễn ra càng triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bảo mật thông tin khách hàng của các thương hiệu, đặc biệt thời trang xa xỉ. Nguy cơ này có thể tác động rất lớn đến niềm tin của khách hàng dành cho các thương hiệu thời trang khi họ không còn cảm thấy an toàn, hay đơn giản là được giữ bí mật, với sở thích mua sắm những món đồ hàng hiệu cực kỳ đắt tiền.
Các tập đoàn đã quá quen với việc thay đổi mỗi ngày để thu hồi lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh quần áo
Và cuối cùng, khi AI dần được phát triển và hoàn thiện, người hưởng lợi sau cùng đôi khi sẽ không phải là các thương hiệu xa xỉ, mà là… chính các tập đoàn thời trang nhanh. Với tốc độ thích ứng cũng như “sản xuất” ý tưởng thiết kế nhanh đến chóng mặt của mình, các tập đoàn này đã quá quen với việc thay đổi mỗi ngày để thu hồi lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh quần áo, và khi AI đến độ chín mùi, họ sẽ lập tức hưởng lợi và áp dụng công nghệ tinh vi này triệt để hơn bất cứ thương hiệu thời trang xa xỉ nào.
Khi mà AI vẫn đang tiếp tục hoàn thiện mình trong tương lai, chúng ta cần cân nhắc những mối nguy tiềm ẩn.
Một điều khá chắc chắn, những ảnh hưởng tiêu cực vốn có về lãng phí tài nguyên môi trường, bóc lột nhân công giá rẻ hay đạo nhái thiết kế của thời trang nhanh sẽ không những không được giải quyết, mà còn “được” khai thác một cách trầm trọng hơn.
Khi mà AI vẫn đang tiếp tục hoàn thiện mình trong tương lai, chúng ta cần cân nhắc những mối nguy tiềm ẩn. Tác động mạnh mẽ của AI đến thị trường lao động, sự cân bằng mong manh giữa khả năng sáng tạo của con người và của AI, chi phí rủi ro cũng như sự bành trướng ngày một nghiêm trọng của thời trang nhanh nhờ công nghệ này là những vấn đề sẽ cực kỳ nan giải mà chúng ta cần hết sức thận trọng.
Sự hiện diện của AI trong nhiều mảng không chỉ giúp thương hiệu tối ưu hiệu quả công việc nội bộ mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm sử dụng của khách hàng
Trái ngược với những trào lưu công nghệ “sớm nở tối tàn” như metaverse hay NFT, AI đang dần chứng minh được tiềm lực thực tế đáng cân nhắc của mình qua những ứng dụng hiệu quả ngày một cao cho ngành thời trang xa xỉ. Sự hiện diện của AI trong nhiều mảng không chỉ giúp thương hiệu tối ưu hiệu quả công việc nội bộ mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm sử dụng của khách hàng. Sự thay đổi này là tiền đề rất lớn cho một tương lai hoàn toàn mới của ngành công nghiệp thời trang cũng như cách nhìn nhận về thị trường, tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển sản phẩm của các thương hiệu thời trang. Bước qua một giai đoạn đổi mới mang tính cột mốc như này, ý chí quyết tâm tự nâng cấp bản thân để hướng tới xu thế toàn cầu mới cùng sự thận trọng với những rủi ro tiềm tàng sẽ là hành trang cực kỳ quan trọng cho những con người đang làm trong ngành thời trang xa xỉ này.